Hình ảnh dãy dài xe hơi và tình trạng tắc đường hàng giờ đồng hồ tại nhiều thành phố chính đã trở nên quen thuộc tại Indonesia. Nguyên nhân do sức tiêu thụ lớn, lên tới 3.000 chiếc xe được bán ra mỗi ngày tại quốc gia này.
Nhu cầu xe hơi tăng dẫn đến việc Chính phủ cho phép lưu hành dòng xe hơi giá rẻ và thân thiện với môi trường, dành cho những người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, kế hoạch đang bị phản đối bởi một bộ phận thành viên Chính phủ do lo ngại khả năng nhập siêu xăng dầu.
Ông Joko Widodo, Thống đốc Jakarta, Indonesia cho rằng: “Nếu Chính phủ đồng ý với kế hoạch này thì tôi sẽ lập tức phản đối".
Step Vaessen, phóng viên Al Jazeera cho biết: "Lý do chính của những tranh cãi là nếu những chiếc xe được bán ra chính thức tại Indonesia thì quốc gia này sẽ rơi vào tình trạng cạn nguồn cung xăng dầu trong vòng 5 năm tới. Và khiến Indonesia rơi vào cảnh khan hiếm dầu”.
Một báo cáo gần đây cho thấy, Indonesia sẽ trở thành nước nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới vào năm 2018. Bất chấp việc Chính phủ đã hạn chế các cơ sở bán lẻ vào tháng 6 vừa qua, đồng tiền mất giá của Indonesia là lý do chính đẩy giá xăng tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Maria Monica Wihardja cho biết: "Tôi lo ngại Indonesia sẽ mất cơ hội để cải cách. Trong tương lai dài, chúng ta sẽ phát triển thành nước có thu nhập khá và cao".
Sự gia tăng của xe hơi sẽ dẫn đến thiếu hụt cơ sở vật chất nhưng Chính phủ vẫn đang xem xét các biện pháp giải quyết. Mục tiêu của Chính phủ là 30.000 chiếc xe hơi giá rẻ sẽ được tiêu thụ vào cuối năm nay. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, con số đặt hàng đã vượt qua mốc này.