Liên kết trong chăn nuôi – Hạn chế thị trường bị thao túng

VTV Cần Thơ-Thứ ba, ngày 20/05/2014 08:44 GMT+7

Ảnh minh họa

Từ giữa 2013 đến nay, người chăn nuôi ở ĐBSCL liên tục thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản do giá bán thấp hơn giá thành và khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Liệu thị trường gia cầm bán lẻ có bị thao túng hay không và đâu là giải pháp?

Cứ 1.000 con gà, sau hơn 3 tháng chăm sóc, người nuôi lỗ từ 8-10 triệu đồng. Tình trạng này đã kéo dài từ giữa năm 2013 đến nay. Điều này khiến tổng đàn gia cầm của Chợ Gạo, vùng chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Tiền Giang, hiện chỉ còn 1.300.000, giảm khoảng 600.000 con so với cùng kì năm ngoái.

Giá bán thấp hơn giá thành nhưng thương lái thu mua nhỏ giọt. Trong khi, giá bán lẻ tại chợ lại cao ngất ngưởng. Thế nhưng, người nuôi không thể giữ gà chờ giá. Bởi chi phí thức ăn cho 1.000 con gà là hơn 1 triệu đồng/ngày.

Ông Lê Văn Liêm, Xã Bình Phục Nhứt, Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết: “Thương lái vào mua có 59.000 đồng/kg. Nhưng theo tôi biết giá gà thả vườn bán ngoài chợ gần 80.000/kg. Khi mua về, người ta phân loại ra và bán gà mái là 90.000 đồng/kg”.

Anh Võ Tấn Uy, Trưởng Ban Thú y xã Bình Phục Nhứt cho rằng: “Do thiếu liên kết nên người dân lỗ do thương lái ép giá. Và nếu cứ đà này, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong tái đàn”.

Tổng phí vận chuyển, giết mổ, chế biến, giá thành của mỗi kg gà sẽ tăng thêm 8.000 đồng. Nhưng từ trung tâm giết mổ đến tay người tiêu dùng, giá gà bị đẩy lên từ 26-30%. Theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng này cũng đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khác ở ĐBSCL như Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ…

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chính sản xuất nhỏ lẻ nên các khâu trung gian dễ dàng thao túng thị trường. Định hướng chăn nuôi của tỉnh trong 5 năm tới là quy hoạch đối tượng nuôi, vùng nuôi gắn với thị trường tiêu thụ. Hiện nay, huyện đang quy hoạch vùng chăn nuôi trọng điểm 200ha ở huyện Tân Phước. Đây là khu chăn nuôi công nghệ cao. Mặt khác, tùy vào điều kiện thực tế sẽ hình thành tổ hợp tác liên kết theo kiểu liên xã. Trong chuỗi này sẽ kết nối với TP.HCM. Tiền Giang sẽ sản xuất, TP.HCM sẽ là nơi tiêu thụ”.

Chuỗi giá trị chăn nuôi ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang tồn tại dưới dạng mua đứt bán đoạn, thiếu liên kết và khả năng cạnh tranh yếu kém. Việc hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý ngành chăn nuôi là giải pháp không thể thiếu trong việc tái cơ cấu ngành.

Quý vị có thể theo dõi chi tiết thông tin trong video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước