Ngành vàng TP.HCM lâm cảnh hiu hắt

Hoài Linh-Thứ tư, ngày 18/09/2013 15:27 GMT+7

 Khách hàng thưa thớt, mặt bằng để trống, 10.000 thợ kim hoàn bỏ nghề mất một nửa. Chưa bao giờ ngành kim hoàn TP.HCM lâm vào cảnh hiu hắt như hiện nay.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành chủ trương cho phép nhập vàng nguyên liệu, nhưng mới chỉ có những doanh nghiệp nữ trang lớn được hưởng lợi từ chủ trương này, phần đông doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức vẫn tiếp tục trong cơn khát nguyên liệu, khát vốn.

Chưa bao giờ ngành kim hoàn lại khó khăn như lúc này. Tại khu vực được coi là trung tâm của ngành kim hoàn TP.HCM, khách hàng thưa thớt, có cơ sở đã phải đóng cửa. Mặt bằng để trống nhiều tháng trời cũng chẳng ai đến thuê. Trang sức ế ẩm, kéo những cửa hàng nguyên phụ liệu kim hoàn ế theo.

Chị Tô Bội Trinh, Cửa hàng Thuận Lợi, quận 5, TP.HCM cho biết: “Những năm trước mỗi ngày bán cả chục triệu đồng tiền hàng, giờ mỗi ngày chỉ chưa đến 1 triệu đồng”.

Sau khi NHNN siết việc vay vốn để mua vàng, hai năm qua các doanh nghiệp vàng trang sức gần như không vay được một đồng vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh vàng. Muốn tiếp cận vốn, chỉ có đường duy nhất là lách luật.

‘ Chưa bao giờ ngành kim hoàn lại khó khăn như hiện nay. Ảnh: VTV News

Đói vốn là một chuyện, cái khó nhất của doanh nghiệp vàng là đói nguồn vàng nguyên liệu nhập khẩu khiến không ít doanh nghiệp phải tìm đến nguồn vàng trôi nổi nhập lậu trên thị trường.

Dù Ngân hàng Nhà nước mới thông qua chủ trương cho phép trở lại việc nhập vàng nguyên liệu sản xuất nữ trang, nhưng đối tượng chỉ là vài doanh nghiệp lớn phục vụ riêng nhu cầu của họ. Do đó theo các chuyên gia, động thái này vẫn chưa đủ để giải cơn khát nguyên liệu chính thống của thị trường.

Những nhà xưởng, máy móc chế tác kim hoàn bỏ không ngày càng nhiều, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng chỉ duy trì vài ba thợ. Theo ước tính sơ bộ của Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, 10.000 thợ kim hoàn trước đây nay bỏ nghề mất một nửa. Chưa bao giờ ngành kim hoàn thành phố lâm vào cảnh hiu hắt như hiện nay.

Ông Phạm Văn Tám, Hiệp hội Mỹ nghệ TP.HCM cho biết: “Vàng Trung Quốc, Malaysia tràn ngập thị trường, trong khi thợ của Việt Nam phải nghỉ việc, rất buồn”.

Vốn không có, nguyên liệu sản xuất cũng không. Thị trường nữ trang vì vậy bị xâm lấn bởi nữ trang ngoại nhập cũng là thực tế dễ hiểu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước