Căn nhà mặt phố luôn được tận dụng hết công suất để kinh doanh.
Một căn nhà mặt phố được các cơ quan chức năng gọi là “nhà để ở” tuy nhiên trên thực tế, căn nhà này hầu như chưa từng được dùng để ở. Nó là một quán cà phê với khối lượng người ra vào lên đến hàng trăm lượt người mỗi ngày.
Khách ngồi tràn ra hết vỉa hè thậm chí xe cộ cũng để hết dưới lòng đường. Có thể thấy, lợi ích kinh tế từ việc kinh doanh này mang lại không hề nhỏ với lượng khách hàng trăm người mỗi ngày.
Thế nhưng, chủ quán cà phê cho biết, không phải nộp thêm một khoản tiền nào cho việc sử dụng đất ngoài việc nộp tiền thuế kinh doanh. “Tôi chỉ nộp 700.000 tiền thuế kinh doanh và 100.000 tiền vệ sinh một tháng” - chủ quán nói.
Việc tận dụng những căn nhà mặt phố, lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh là cảnh tượng người ta có thể bắt gặp ở tất cả các con phố tại Hà Nội. Và với các cơ quan chức năng, nó vẫn chỉ được gọi là “nhà để ở”. Một sự thất thoát nguồn thu không ít về tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước.
Trước đây đã có lúc Bộ Xây dựng cấm sử dụng nhà chung cư để làm văn phòng và mới đây, cơ quan này cũng lại đề xuất việc cấm sử dụng nhà ở làm nhà nghỉ, quán Bar hay vũ trường. Có vẻ như, việc nhìn thấy tác động lên đất và sự bất hợp lý trong việc nộp tiền sử dụng đất của các căn nhà mặt phố cũng đã được nhìn ra. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với Bộ Xây dựng để tìm hiểu xem nếu người dân muốn dùng nhà ở để kinh doanh những loại hình trên thì phải làm gì, thì nhiều quan chức của Bộ Xây dựng đều từ chối không trả lời.
Từ bao năm nay, những căn nhà mặt phố luôn được “phát huy hết tác dụng”, được những chủ nhân của nó tận dụng hết công suất để đem lại lợi nhuận. Đó cũng phần nào lý giải cho việc tại sao giá nhà mặt phố luôn cao ngất ngưởng. Và thời gian qua, khi thị trường bất động sản trầm lắng và ở nhiều nơi xa, giá đất xuống đến hơn một nửa thì các căn nhà mặt phố được coi như những "con bò vắt sữa” gần như không xuống giá.
Một nghịch lý trên thị trường bất động sản Việt Nam là một căn nhà mặt phố cổ có lúc giá đến 1 tỷ/m2, cao hơn cả giá đất vị trí đắc địa của một thành phố lớn như New York (Mỹ). Và nghịch lý đó có lẽ sẽ vẫn tồn tại một khi người ta có thể thu lợi hết công suất từ nó, thế nhưng lại chẳng phải nộp thêm một khoản tiền nào cho việc sử dụng đất.