Người tiêu dùng đang rất bức xúc trước thông tin này ví giá cước thì tăng mà chất lượng 3G vẫn rất kém. Không những thế có muốn phản đối thì người tiêu dùng cũng chẳng có sự lựa chọn nào khác vì 3 nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G này chiếm tới hơn 90% thị phần viễn thông trong nước.
Hiện nay, không wifi, muốn vào mạng Internet, người dùng chỉ có cách sử dụng dịch vụ 3G trên những thiết bị di động. Nhưng ngay tại những khu vực trung tâm thành phố, chứ chưa nói tới việc ra tỉnh ngoài, dịch vụ 3G cũng lúc có, lúc không. Chất lượng dịch vụ không cải thiện, trong khi giá cước chỉ có tăng mà không giảm, là điều khiến người tiêu dùng rất bức xúc.
Nhiều người cho biết, tăng giá không phải là vấn đề nhưng phải đảm bảo chất lượng. Chất lượng mạng 3G bây giờ còn quá chậm. Nếu sử dụng nhiều, giá cước này còn chấp nhận được, chứ nếu sử dụng ít, mức giá này là quá cao.
Tăng giá để đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng. Tăng giá để phù hợp với quy định thực tế là giá bán phải tương đương với giá thành... là những lý do mà các nhà mạng và đại diện cục viễn thông đưa ra lúc này.
Nhưng tăng giá thì chất lượng có được cải thiện? Điều được quan tâm hơn cả lại chưa có gì để đảm bảo. Ngoài những lời hứa cam kết của doanh nghiệp viễn thông.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông nói: “Các doanh nghiệp vừa rồi nói đến chất lượng trên yếu tố cơ sở hạ tầng… Thực tế, từ trước chất lượng chỉ do doanh nghiệp cam kết và cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra. Trong thời gian tới, Bộ sẽ phải trên quan điểm khách hàng để đưa ra tiêu chuẩn chất lượng. Điều này chắc chắn sẽ là thách thức với doanh nghiệp”.
Chiếm lĩnh hơn 90% thị phần viễn thông trong nước nhưng cùng 1 lúc cả Vinaphone, Mobiphone và Viettel đều điều chỉnh giá cước 3G. Điều này nảy sinh những nghi ngại về sự bắt tay của các nhà mạng. Nhưng khi đề cập đến sự bất thường này, chính cơ quan quản lý cũng chưa đưa ra được lời giải thích thỏa đáng.
Ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: “Việc này chúng tôi phải trao đổi lại với Bộ thông tin truyền thông mới trả lời được”.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Minh Hải, việc các nhà mạng tăng giá gói cước 3G hàng chục % cùng lúc thể hiện những dấu hiệu vi phạm về luật cạnh tranh. Tại quy định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nếu các doanh nghiệp có sự thỏa thuận giá bán hàng hóa đều sẽ bị cấm.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành công ty luật Basico nói: “Cùng 1 thời điểm tháng 8, 9, 10, 3 nhà mạng đều có đề xuất tăng giá với mức tương đương nhau. Đây là hành vi bị cấm nếu mỗi doanh nghiệp đang chiếm hơn 30% thị phần viễn thông trong nước”.
Cũng theo luật cạnh tranh, khi nhu cầu sử dụng dịch vụ không có biến động bất thường, việc tăng giá của doanh nghiệp sẽ không được phép. Với việc tăng giá lần này, ước tính các nhà mạng có thể bỏ túi thêm 1440 tỷ đồng mỗi năm. Đó cũng là số tiền khồng lồ người tiêu dùng buộc phải trả thêm trong sự ấm ức hoặc nếu không muốn trả thêm, chỉ có cách ngừng sử dụng dịch vụ 3G ở Việt Nam.