Giờ nghỉ trưa, anh Hoàng Minh Thắng hiện đang sống tại Quận 1, TP.HCM cùng nhóm bạn hay ngồi café, lướt web. Café vỉa hè không wifi. Muốn vào mạng, chỉ có cách sử dụng dịch vụ 3G trên những thiết bị di động. Tuy nhiên, ngay tại trung tâm Quận 1 chứ chưa nói tới việc ra tỉnh ngoài, dịch vụ 3G lúc có, lúc không.
‘ Anh Hoàng Minh Thắng cho biết: “Giữa trung tâm Quận 1, nhiều khi tôi không thể truy cập được mạng Internet”.
Chất lượng dịch vụ không cải thiện, trong khi giá cước chỉ có tăng mà không giảm là điều khiến người tiêu dùng bức xúc nhất.
Không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người đang sử dụng mạng 3G tại Hà Nội củng phàn nàn về chất lượng dịch vụ của các nhà mạng kể trên. Một nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Tăng giá không phải là vấn đề nhưng phải đảm bảo chất lượng. Chất lượng mạng 3G bây giờ còn quá chậm”.
Thế nhưng, với việc chi phối cung cấp dịch vụ 3G của các nhà mạng hiện nay, người tiêu dùng cũng chỉ có 2 sự lựa chọn: Một là tiếp tục dùng mạng 3G, hai là ngưng sử dụng. Công việc vẫn phải giải quyết, email vẫn phải nhận, vì thế, chẳng có cách nào khác là phải chấp nhận mức giá mới này. Tuy nhiên, nhiều người cũng khẳng định, nếu không cần thiết, chắc chắn họ sẽ cắt ngay dịch vụ mạng 3G.
Chỉ trong vòng một năm qua, các nhà mạng đã tăng giá cước 3G đến 2 lần: 1 lần 30% và lần này là 40%. Theo một số luật sư, mức tăng giá cước này đã vượt xa mức trần quy định 5% của Bộ Thông tin Truyền thông trong điều kiện cung cầu không có sự đột biến. Với việc tăng giá lần này, các nhà mạng có thể bỏ túi thêm 1.440 tỷ đồng.