Thời gian qua, sức mua của người tiêu dùng có giảm nhưng thị trường vẫn được kỳ vọng khả quan nhờ những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị bán lẻ đã chuẩn bị nguồn hàng có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng đưa ra thị trường từ rất sớm. Lực lượng Quản lý thị trường sẽ phải làm thế nào để có thể quản lý được lượng hàng hòa này? Để tìm hiểu cụ thể hơn về những nội dung này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.
Theo nhận định của một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp thương mại lớn, sức mua hàng của người dân năm nay sẽ tăng khoảng 10 - 15% so năm trước. Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ trong dịp Tết, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp có kế hoạch tích trữ như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Lam: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo các Tổng cục thuộc Bộ, các Sở Công Thương và các tập đoàn, tổng công ty của Bộ triển khai nhiều nhiệm vụ trong đó có việc chuẩn bị lượng hàng Tết. Theo số liệu, năm nay, cả nước có 200.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết, trong đó có nhiều địa bàn đã hoàn thành sớm chuẩn bị Tết như TP Hà Nội đã chuẩn bị 16.000 tỷ đồng với 900 tấn thịt lợn, 4.000 tấn gạo, 450 tấn gà và 1.500 tấn rau quả. TP.HCM cũng đã chuẩn bị lượng hàng sẵn sàng phục vụ người dân dịp Tết.
Thưa ông, khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao, mối nguy hại mua phải hàng giả, hàng nhái càng lớn. Câu chuyện này luôn diễn ra hàng năm, vậy Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng khác có những phương án gì để ngăn chặn?
Ông Đỗ Thanh Lam: Lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết, các đối tượng làm ăn phi pháp không từ một phương thức, thủ đoạn nào để gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả để thu lợi bất chính.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ tháng 11/2014, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước triển khai 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, yêu cầu cơ quan quản lý các cấp phổ biến đến từng công chức, người lao động cơ quan quản lý thị trường quán triệt đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo đúng pháp luật. Thứ hai, tổ chức đợt cao điểm đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả từ tháng 11 đến trước, trong và sau Tết Âm lịch. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các địa bàn trọng điểm. Ngoài ra, địa bàn nông thôn năm nay cũng phải tích cực triển khai kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Thứ ba, tập trung kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các mặt hàng như thực phẩm, bia, rượu... những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết.
1 tháng qua, chúng tôi đã xử lý hơn 15.000 vụ vi phạm pháp luật và số tiền thu nộp ngân sách là hơn 40 tỷ đồng. Đây là kết quả lớn trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!