Ngoài những khó khăn chung, doanh nghiệp bất động sản vốn đang phải chịu ảnh hưởng từ một loạt các yếu tố riêng của ngành. Điển hình nhất là việc tâm lý chờ đợi dần xuất hiện trong đại đa số khách hàng. Không ít nhà đầu tư cho biết họ chỉ trở lại thị trường khi khó khăn qua đi, nếu có xuống tiền đầu tư cũng ở mức dè dặt, thăm dò. Tâm lý chờ giảm giá vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh giá bất động sản chưa có dấu hiệu giảm.
Bên cạnh đó, hàng loạt những dự án chung cư cũng chậm bàn giao khiến người mua vô cùng lo lắng và gây áp lực lên phía chủ đầu tư.
Thị trường bất động sản đang gặp thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Chuyên gia kinh tế Quang Minh cho biết: "Chậm bàn giao nhà không phải là câu chuyện cũ nhưng với nhiều doanh nghiệp bất động sản trong năm 2020 và 2021, đó là câu chuyện mới với những khó khăn chưa từng gặp trong lịch sử khi hầu hết họ nằm trong tình huống bị động với một khó khăn khách quan. Và khách hàng hay người mua nhà trực tiếp bị ảnh hưởng quyền lợi bởi với các dự án chung cư, đa phần người dân phải đi vay vốn mua nhà. Nhưng thay vì việc gây áp lực bằng các biện pháp mạnh người dân cũng cần tìm hiểu, nhìn nhận vấn đề trên một bức tranh toàn diện, từ đó trao đổi, tháo gỡ khó khăn cùng chủ đầu tư để đạt được hiệu quả tốt nhất. Phía chủ đầu tư cũng cần có những cách thức giúp người dân an tâm và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng".
Là người dân đã quyết định mua nhà chung cư theo nhu cầu của gia đình, bà Nguyễn Thị Thẩm, Bắc Từ Liêm cảm thấy nhà chung cư là giải pháp cho nhiều hộ gia đình đô thị mới khi giá đất Hà Nội vẫn đang xếp hạng top cao nhất thế giới, việc sở hữu căn hộ chung cư là giải pháp hợp lý cho túi tiền người dân hiện nay. Tuy nhiên, việc mua căn hộ chung cư cũng vấp phải nhiều rủi ro trong quá trình mua bán đặc biệt, dự án treo, dự án chậm tiến độ là nỗi lo thường trực của người mua căn hộ chung cư hiện nay.
Một dự án bất động sản chưa hoàn thiện
Bà Nguyễn Thị Thẩm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã ký hợp đồng mua một dự án tại quận Hoàng Mai, Hà Nội từ tháng 5/2019. Đây là dự án nhà ở có mức giá tầm trung ở khu vực phía Nam của Hà Nội. Hơn nữa, khi quyết định mua, tôi nhận thấy vị trí địa lý thuận lợi, giá chung cư phù hợp với khả năng tài chính. Tôi cũng đã phản ánh đến chủ đầu tư và chủ đầu tư cũng đang tìm biện pháp để khắc phục để đẩy nhanh tiến độ công trình nhanh hơn và tôi mong được nhận nhà sớm hơn".
Ông Đỗ Văn Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379 cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Ví dụ như về tiến độ công trình, chúng tôi bổ sung thêm nhiều nhà thầu dự phòng, cũng như giải pháp công nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi phải dự phòng về người lao động từ nhiều địa phương và từ nguồn lao động khác nhau. Thứ hai về nguồn tài chính, do khó khăn của kinh doanh, chúng tôi cũng thêm giải pháp hỗ trợ từ các ngân hàng, các đối tác. Chúng tôi có một lượng dự án gối đầu khá tiềm năng. Đó là nền tảng để vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành công văn số 3029/NHNN-TTGSNH chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đổ vào bất động sản.
Chịu tác động kép, nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn đủ vốn để duy trì hoạt động chứ đừng nói là phát triển dự án mới. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, có tới 842 doanh nghiệp bất động sản phải tạm dừng hoạt động, tăng hơn 35,2% và có 345 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, chắc chắn chủ đầu tư sẽ bị tác động nhiều do dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đã phải lùi kế hoạch kinh doanh, kế hoạch mở bán dự án vì lo ngại tác động của dịch. Hiện thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phải dựa vào cách bán hàng truyền thống là chính. Những phương thức khác như bán hàng qua app, online dù là cách làm mới nhưng chưa đủ sức thay thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!