Việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gần như được giao toàn quyền tự điều chỉnh giá trong bản dự thảo lần này, đối với các chuyên gia là không có gì mới và vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề là người tiêu dùng luôn bị đối xử bất bình đẳng và chịu thiệt thòi trên thị trường xăng dầu.
“Cơ chế định giá hoàn toàn không có gì thay đổi, như “bình mới rượu cũ”, vẫn có sự bất bình đẳng ở đây. Nếu tăng 5% mà DN tự quyết định tăng giá như vậy không bình đẳng, gây thiệt thời cho người tiêu dùng và tạo ra lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền thu lời”, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nói.
Theo bản dự thảo, các doanh nghiệp xăng dầu chỉ được quyền ký với 1 đại lý. Doanh nghiệp tỏ ý đồng tình và cho rằng, nếu làm như vậy sẽ kiểm soát được chất lượng vốn đang rất nhức nhối trong thời gian qua.
“Việc tổng đại lý chỉ được quyền ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối và các đại lý cũng chỉ ký với một tổng đại lý, nếu làm vậy thì yêu cầu về chất lượng xăng dầu được đặt lên quan trọng. Nếu các đại lý và tổng đại lý ký nhiều đầu mối thì vấn đề kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn...”, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex phân tích.
Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long lại có ý kiến ngược lại: “Một tổng đại lý có quyền quan hệ làm việc với một đầu mối kinh doanh xăng dầu hoặc một đại lý chỉ làm việc với một tổng đại lý. Cách này chưa thật phù hợp, chưa thể hiện được tính cạnh tranh thật sự trong phân phối”.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu thực hiện theo cơ chế các tổng đại lý có thể làm việc với nhiều đầu mối thì sẽ tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường, các đại lý sẽ có nhiều sự lựa chọn để phục vụ tốt hơn người tiêu dùng khi có sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng xăng dầu, chất lượng dịch vụ.