Vì sao ngành sư phạm mất dần “sức hút”?

CSTN-Thứ hai, ngày 04/03/2013 10:58 GMT+7

PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT. (Ảnh: VTV News)

  Xung quanh chủ đề vì sao ngành sư phạm mất dần sức hút, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Áng, hiên nay có một thực tế là ngành sư phạm đang giảm dần sự hấp dẫn và sức hút với sinh viên. Nhưng cũng có một thực tế khác là cả nước đang thừa tới 30.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự mâu thuẫn này?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Thực tế ngành sư phạm ở nước ta đang có sự mâu thuẫn này. Nguyên nhân của hiện trạng chúng ta cũng nên nhìn dài hạn ra một chút. Đó là nhiều năm về trước chúng ta không thể dự báo được số lượng học sinh ở các bậc học giảm do tác động của quá trình kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều năm qua. Và cho đến những năm gần đây quá trình kế hoạch hóa gia đình lại càng phát huy hiệu quả rất tích cực.

Trước đây khi thiết kế hệ thống trường sư phạm, cũng như qui mô đào tạo nước ta đã chưa lường trước được tình huống như vậy. Khi số lượng trẻ học tiểu học, trung học cơ sở giảm xuống, hệ thống trường đào tạo sư phạm lại chưa thay đổi kịp, vì vậy mới có câu chuyện học sinh tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường đang dư thừa.

Ngược lại bên cạnh đó sức hút của ngành sư phạm đang giảm đi, mặc dù trong thời gian qua Nhà nước đã thực hiện chính sách hỗ trợ về học phí hoặc miễn giảm học phí đối với sinh viên theo học ngành này. Thực ra theo tôi suy nghĩ đó chỉ là khâu đầu tiên thôi, còn khâu quan trọng nhất là 30 hoặc 40 năm sau khi các em ra trường, làm việc ở ngành giáo dục, cuộc sống gắn với ngành sẽ ra sao? Sức hấp dẫn của ngành sư phạm giảm đi đối với các thí sinh có lẽ là ở khía cạnh đó.

PV: Theo chúng tôi được biết, hiện nay nước ta có tới 330 cơ sở đang đào tạo ngành sư phạm, vậy chúng ta có tính tới việc năm nay sẽ giảm bớt chỉ tiêu của ngành sư phạm đi không thưa PGS.TS Nguyễn Văn Áng?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Ai cũng sẽ nghĩ dư thừa thì ắt hẳn phải giảm nhưng trên thực tế vấn đề đặt ra là giảm như thế nào đó mới là chuyện khó. Bởi vì nếu trên bình diện chung chúng tôi sẽ tính ra ngay hiện đang dư thừa bao nhiêu sinh viên sư phạm, mỗi năm cần đào tạo bao nhiêu. Tuy nhiên, khó khăn là ở chỗ nếu giảm sẽ giảm trường nào, và giảm trên địa bàn của địa phương nào.

Trên thực tế sinh viên có thể được đào tạo ở địa phương này nhưng sau này ra trường sinh viên lại có thể đến một nơi khác để làm việc, hoặc ngược lại, cho nên sự di biến động như vậy rất khó lường trong trong tình trạng hiện nay. Vừa rồi bộ GD&ĐT cũng đã phát đi một thông điệp rằng, ngành sư phạm đang bắt đầu bị dư thừa. Việc này trước mắt để các trường tự điều chỉnh qui mô đào tạo, còn xác định chỉ tiêu đào tạo bao nhiêu là do các trường tự xác định trên cở sở năng lực đào tạo, đảm bảo được chất lượng.

Những năm trước vấn đề này cũng được nói đến, tuy nhiên năm nay thông điệp này được phát đi mạnh hơn. Đối với các trường thuộc Bộ GD&ĐT sẽ có những chỉ đạo mạnh hơn, còn những trường không thuộc quyền quản lý của Bộ GD&ĐT chủ yếu sẽ là cảnh báo.

PV: Hiện nay, ngành sư phạm đang mất sức hút đối với những sinh viên giỏi, điều này khiến cho nhiều người lo ngại về chất lượng của giáo viên sau này. Vậy đâu là giải pháp mà Bộ GD&ĐT xác định cho vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Thực tế nếu chất lượng đầu vào không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, đầu vào chỉ là một trong những yếu tố cấu thành tạo nên chất lượng đào tạo, còn một điều quan trọng nữa là quá trình đào tạo.

Mặc dù đầu vào ngành sư phạm không được cao như những năm trước đây, nhưng sinh viên muốn theo học vẫn phải trên điểm sàn qui định của Bộ GD&ĐT. Tức là mức điểm tối thiểu để đảm bảo cho các thí sinh đủ trình độ, đủ năng lực học đại học. Điều quan trọng nhất tôi nghĩ vẫn là chế độ đãi ngộ với thầy cô giáo sau này, còn về khâu đào tạo mấy năm vừa rồi chúng ta thực hiện chế độ miễn giảm học phí cho sinh viên ngành sư phạm tôi thấy cũng đã tạm được rồi.

PV: Hiện nay có một ý kiến cho rằng, việc đào tạo ngành sư phạm nên học theo cách của một số nước có nền giáo dục tiên tiến đó là: Không đào tạo chuyên ngành sư phạm, mà giáo viên sẽ được tuyển đầu vào ở các trường đại học khác, sau đó đưa đi đào tạo thêm nghiệp vụ sư phạm. Như vậy sẽ tuyển được người giỏi, vừa đỡ lãng phí cho xã hội. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Hiện nay trên thế giới đang có hai mô hình, một là đào tạo song song tức là đạo tạo sư phạm và đào tạo chuyên môn kết hợp. Mô hình đào tạo song song này, Việt Nam chúng ta đang thực hiện.

Mô hình thứ hai là tuyển đầu vào của ngành sư phạm là cử nhân của các trường đã tốt nghiệp ngành khoa học cơ bản, sau đó đưa đi đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, mô hình này tôi tạm gọi là mô hình đào tạo nối tiếp. Đối với nước ta mô hình này cũng không mới, mặc dù không phổ biến nhưng Việt Nam cũng có một số trường đã tuyển cử nhân tốt nghiệp ở các trường Đại học KHXH&NV hoặc trường Đại học Tự nhiên, sau đó về nhà trường sẽ đưa đi bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ sư phạm.

Về bản chất hai mô hình trên đều trang bị cho người học cả hai mảng kiến thức về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên nếu chúng ta trông chờ vào mô hình đào tạo nối tiếp để tránh lãng phí dư thừa xã hội thì tôi nghĩ chưa hẳn. Bởi vì, nếu đầu vào của các trường sư phạm là cử nhân của các trường Đại học khác nguy cơ thừa thiếu sẽ không xảy ra nữa, nhưng trách nhiệm gây ra nguy cơ thừa thiếu lại sẽ bị đẩy sang chính các trường đào tạo các ngành cơ bản. Do lúc đấy chúng ta sẽ không biết sẽ cần bao nhiêu cử nhân về Toán, báo nhiêu cử nhân về Văn, Lý... nên tôi nghĩ lựa chọn mô hình nào cũng cần phải cân nhắc, và điều này cũng phụ thuộc vào điều kiện của từng quốc gia.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mời quí vị theo dõi lại nội dung cuộc cuộc trao đổi của phóng viên VTV với PGS.TS Nguyễn Văn Áng - Vụ trưởng vụ kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT tại đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước