Ước tính trên toàn thế giới có 1.800 tấn nguyên liệu hạt nhân có thể sử dụng làm vũ khí, đó là urani và plutoni được làm giàu. Loại vật liệu này được bảo quản trong hàng trăm cơ sở ở 25 quốc gia trên thế giới tuyên bố sở hữu nguyên liệu hạt nhân. 83% số nguyên liệu này được sử dụng trong mục đích quân sự, đó là có thể dùng làm vũ khí và có tới 17% được sử dụng vì các mục đích hòa bình như dùng ở trong các cơ sở y tế để chiếu xạ chống ung thư hay trong các nhà máy điện hạt nhân. Mặc dù các nguyên liệu hạt nhân được bảo vệ cẩn mật nhưng vẫn có những lỗ hổng an ninh, nhất là tại các cơ sở sử dụng vật liệu hạt nhân vì mục đích hòa bình, khiến xảy ra nguy cơ chúng bị thất thoát.
Những con số và những sự việc được thống kê dưới đây sẽ cho quý độc giả thấy nguy cơ này lớn đến như thế nào.
Chỉ cần lượng uranium với trọng lượng bằng một gói đường hơn 2 kg, những kẻ khủng bố có thể tạo ra bom bẩn với sức công phá khủng khiếp. Nguồn vật liệu hạt nhân những kẻ khủng bố có thể lấy được đến từ đâu? Từ sự sơ hở trong việc canh phòng các cơ sở hạt nhân khiến chúng có thể lấy cắp. Và những kẻ khủng bố cũng hoàn toàn có thể mua được vật liệu hạt nhân trên thị trường chợ đen.
Theo điều tra của hãng tin AP hồi năm ngoái, kể từ năm 2011, có tới 4 âm mưu của các băng nhóm tại Moldova nhằm bán vật liệu phóng xạ cho những kẻ khủng bố đã bị cảnh sát triệt phá. Điển hình trong số đó là vào tháng 6/2011, giới chức Moldova đã bắt giữ 6 đối tượng và thu giữ 4g uranium được dùng để chào hàng cho những kẻ chế tạo bom. 6 đối tượng này sau đó khai nhận chúng còn sở hữu tới 9 kg uranium. Tuy nhiên, kẻ cầm đầu đường dây này cùng những kẻ mua hàng đã trốn thoát, trong khi lượng uranium được làm giàu vẫn chưa được tìm thấy.
Ngay sau loạt vụ khủng bố ở Brussels vừa qua, nguy cơ các nhóm khủng bố tấn công vào các cơ sở hạt nhân là điều có thể xảy ra. Trước đó, tháng 11/2007, hai nhóm các tay súng đã tấn công vào một cơ sở nghiên cứu hạt nhân tại Nam Phi với mục tiêu là nhà kho chứa lượng uranium dùng để chế tạo nhiều đầu đạn hạt nhân. Phần lớn những kẻ tấn công đã tẩu thoát và rất ít thông tin về vụ việc được tiết lộ.
Tại Mỹ, lỗ hổng trong kiểm soát vật liệu hạt nhân xảy ra vào tháng 8/2007, khi một nhóm phi hành đoàn đã đem 6 đầu đạn hạt nhân lên một máy bay B52. 6 đầu đạn này có thể gây ra một vụ nổ gấp 60 lần vụ đánh bom vào Hiroshima năm 1945. Nhưng chiếc máy bay B52 đã bay qua nhiều bang của nước Mỹ, hạ cánh xuống một đường băng và để trong tình trạng không có ai canh gác suốt 24 giờ.
Rõ ràng những lỗ hổng trên dù chỉ ở một quốc gia, nhưng nếu bị những kẻ khủng bố lợi dụng sẽ gây tác động tiêu cực đến an ninh toàn thế giới. Điều này đòi hỏi tất cả các quốc gia đều phải đóng một vai trò trong việc ngăn chặn khủng bố hạt nhân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.