Có thể kể đến như tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, những quan ngại về sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên hay mối nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Đáng lo ngại hơn là các bên liên quan vẫn còn tồn tại những bất đồng, những quan điểm trái ngược trong việc giải quyết các thách thức an ninh nói trên.
Trong thời gian vừa qua, sự gia tăng những hành động mang tính đơn phương trên Biển Đông, đặc biệt là hành động quân sự hóa, cải tạo các đảo đá, bãi đá trên Biển Đông đang khiến nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại, gây bất ổn trong khu vực. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, liên tục kêu gọi duy trì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.
Đối thoại Shangri-La cũng diễn ra giữa lúc tình hình an ninh Đông Bắc Á đang tăng nhiệt vì vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Sau vụ thử bom nhiệt hạch hồi tháng 1 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo cùng những vụ thử tên lửa tầm trung và tầm xa. Thậm chí Bình Nhưỡng còn tuyên bố đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, có thể gắn lên tên lửa tầm xa gây lo ngại cho cả khu vực. Trong khi đó, những quốc gia liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ chưa thể tìm ra một giải pháp hữu hiệu nào để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Còn với khu vực Đông Nam Á, sự hợp tác đang được kỳ vọng để đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh chung. Không chỉ có vấn đề Biển Đông, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang bao trùm lên các nước Đông Nam Á, biểu hiện đáng lo ngại nhất là vụ khủng bố tại Jakarta hồi đầu năm và việc lực lượng Abu Sayaf chặt đầu con tin phương Tây gần đây. Hiện nguy cơ khủng bố đã được cảnh báo tại những quốc gia như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. Ngoài ra, những vấn đề khác như an ninh mạng hay chống cướp biển cũng đang được các nước trong khu vực đặc biệt quan tâm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.