Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 - Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực châu Á, được đánh giá tiếp tục là phương tiện tốt để các nhà lãnh đạo khu vực đưa ra quan điểm, chính sách đối với các vấn đề quốc phòng và an ninh.
Các phiên họp đặc biệt của Đối thoại Shangri-La 2016 cũng sẽ tập trung thảo luận các vấn đề cụ thể ví dụ như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thách thức an ninh đối với dòng người di cư bất thường, tăng cường chống chủ nghĩa cực đoan ở châu Á và xác định các lợi ích an ninh chung trên mạng.
Các nội dung quan trọng tại Đối thoại Shangri-La 2016
Nhiều chuyên gia nhận định, những căng thẳng trên Biển Đông sẽ là một nội dung trọng tâm của các cuộc đối thoại năm nay. Trong đó, các phiên họp sẽ tập trung thảo luận chiến lược của các nước lớn, việc kiểm soát gia tăng tranh chấp, sự chủ động hơn trong giải quyết các xung đột, các hình thức hợp tác an ninh mới cũng như xây dựng các liên kết an ninh với các khu vực khác.
Trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 2/6, phóng viên Hữu Hưng - Thường trú của Đài THVN tại Singapore – đánh giá vấn đề Biển Đông sẽ trở thành đề tài rất nóng tại Đối thoại Shangri-La.
“Từ năm 2013 đến nay, vấn đề Biển Đông chưa bao giờ nguội tại Đối thoại Shangri-La. Năm nay, như mọi người đều biết đã xảy ra một loạt diễn biến mới trên biển Đông như việc tăng cường xây dựng, tôn tạo, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa các bãi đá và đảo san hô tranh chấp trên Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Do vậy tôi cho rằng vấn đề Biển Đông đã nóng rồi thì sẽ càng nóng tại Đối thoại Shangri-La năm nay” - phóng viên Hữu Hưng nhấn mạnh.
Những năm gần đây, diễn đàn Shangri-La đã chứng kiến những quan điểm mạnh mẽ trái ngược giữa Mỹ và Trung Quốc về tự do hàng hải ở Biển Đông. Theo nhận định của phóng viên Hữu Hưng, những quan điểm này rất có thể tiếp tục được đề cập tại đối thoại năm nay.
Bởi lẽ, Mỹ và Trung Quốc có cách diễn giải trái ngược nhau về Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mỹ mặc dù chưa thông qua UNCLOS nhưng vẫn coi đây là nền tảng pháp lý quan trọng để giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền biển. Trong khi đó, Trung Quốc đã ký kết thông qua hiệp ước này nhưng lại diễn giải chọn lọc hơn theo ý của mình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.