Bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh BRICS, ở Ufa năm nay còn có một sự kiện rất thành công khác là Hội nghị của Tổ chức hợp tác Thượng Hải SCO. Các nhà lãnh đạo của 6 nước thành viên SCO, các quan sát viên và các khách mời đã chứng kiến sự ra đời của các quyết sách quan trọng đối với tổ chức này, trong đó có việc SCO lần đầu tiên mở rộng kết nạp thêm thành viên mới.
Trao đổi về vấn đề này tại chương trình Toàn cảnh thế giới, TS. Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao – nhận định: "Đứng về mặt mở rộng thành viên, có thể nói đây là bước ngoặt lớn. Kể từ khi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ra đời năm 2001, đây là lần đầu tiên có sự mở rộng kết nạp 2 thành viên mới là Ấn Độ và Pakistan – hai nước quan trọng ở khu vực Nam Á. Một số nhà lãnh đạo nói rằng, từ nay, trật tự thế giới không còn là đơn cực mà đã chuyển sang đa cực để nhấn mạnh tác động của việc SCO mở rộng kết nạp thêm 2 thành viên mới. Rõ ràng, khi kết nạp 2 thành viên này sẽ đem lại sức nặng mới cho SCO, làm cho tổ chức này “đi trên hai chân” giống như các lãnh đạo cũ của tổ chức hay một số nước đối thoại của SCO mong muốn. Đó là việc “đi trên hai chân” hợp tác chính trị - an ninh và hợp tác kinh tế".
Phân tích về việc tại sao Ấn Độ và Pakistan được kết nạp trong dịp này mà không có Iran – một ứng viên lớn và tại sao bây giờ mới là lúc SCO chính thức được mở rộng, TS. Hoàng Anh Tuấn nói: "Việc mở rộng thành viên của SCO đã được bàn từ lâu nhưng chưa quyết định chưa kết nạp thành viên mới là bởi các nước thành viên cũ vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc nên phải củng cố để SCO mạnh lên trước khi kết nạp thành viên mới. Như vậy, sẽ không làm ảnh hưởng đến tôn chỉ, mục đích của SCO. Thứ hai, những thành viên mới được kết nạp cũng có một số vấn đề như xung đột giữa Ấn Độ - Pakistan chưa được giải quyết hay lệnh cấm vận của Iran chưa được gỡ bỏ".
Nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO, TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng: "Khi trở thành thành viên của SCO, Ấn Độ và Pakistan sẽ có thêm một diễn đàn mới để đối thoại với nhau, để giải quyết các vấn đề giữa hai quốc gia này. Đây là tiền đề thúc đẩy giải quyết “điểm nóng” ở khư vực Nam Á mà có tác động trực tiếp đến các thành viên của SCO. Nếu SCO không kết nạp 2 thành viên này thì những mâu thuẫn, tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn diễn ra, thậm chí còn tác động tiêu cực hơn và SCO không có cách gì để tác động đến mâu thuẫn này. Việc đưa Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên SCO sẽ giúp họ hòa giải, hợp tác tốt hơn. Điều này vừa làm tăng uy tín, vai trò của SCO vừa giúp giải tỏa “điểm nóng” ở khu vực".
"Kết nạp thêm 2 nước ở khu vực Nam Á sẽ giúp hoạt động của SCO trở nên đa dạng hơn, thực chất hơn và việc mở rộng thành viên của SCO sẽ không dừng tại đây, nó sẽ tiếp tục mở rộng để đưa SCO trở thành tổ chức thực sự có tính kết nối cao hơn, mang tính đối trọng với trật tự mà các nước đang lo ngại do Mỹ và phương Tây khống chế. Đó là điều mà một số nước thành viên của SCO mong muốn" - TS. Hoàng Anh Tuấn phân tích rõ hơn.
Trước thắc mắc: "Việc nước Nga tập hợp được lực lượng rất lớn các nước đang phát triển, các nước đồng minh trong Hội nghị lần này có cho thấy sự thành công của chiến lược xoay trục sang châu Á mà nước Nga đang tiến hành sau khi bị Mỹ và phương Tây cấm vận?", TS. Hoàng Anh Tuấn khẳng định: "Nhìn ở góc độ nào đó, rõ ràng đây là một thành công lớn của Nga về mặt chính trị. Đây là điều chưa từng có và việc các nhà lãnh đạo của các nước tập trung tại Ufa cho thấy bản thân Nga đã có khả năng vận động chính trị, vận động ngoại giao để các nước có thể cùng bàn thảo với Nga về các vấn đề khu vực và quốc tế. Nga không phải bị cô lập như các nước phương Tây mong muốn".
Để biết chi tiết hơn những phân tích của TS. Hoàng Anh Tuấn, mời quý vị cùng theo dõi trong video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!