Thể chế tài chính mới - Bước ngoặt quan trọng trong tăng cường hợp tác của BRICS

VTV News-Chủ nhật, ngày 12/07/2015 15:24 GMT+7

TS. Hoàng Anh Tuấn (phải) trao đổi tại trường quay Toàn cảnh thế giới

VTV.vn - Đó là nhận định của TS. Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao – trong cuộc trao đổi tại chương trình Toàn cảnh thế giới sáng 12/7.

50 tỷ USD, 100 tỷ USD và 200 tỷ USD là số vốn ước định của 2 thể chế tài chính mới chính thức ra đời trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Ufa (Liên bang Nga). 5 quốc gia mới nổi hàng đầu thế giới bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã cho ra đời Ngân hàng Phát triển mới với số vốn ban đầu 50 tỷ USD, sẽ mở rộng lên 100 tỷ USD và quỹ dự trữ ngoại hối chung của khối này cũng có số vốn ban đầu là 100 tỷ USD.

Đây là sự liên kết tài chính lớn nhất, đáng kể nhất của BRICS kể từ ngày thành lập cách đây hơn 10 năm. Nó thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của câu lạc bộ các quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 40% dân số toàn cầu.

Trao đổi trong chương trình Toàn cảnh thế giới về vấn đề này, TS. Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao – nhận định: "Quyết định thành lập 2 thể chế tài chính này đã được BRICS đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh năm 2014. Việc ký kết thỏa thuận để thành lập 2 thể chế này là hiện thực hóa quyết định của Hội nghị cấp cao lần trước. Chúng ta thấy rằng, tuy số vốn chưa nhiều nhưng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên BRICS. Thứ hai, sự hợp tác giữa các nước thành viên BRICS đã đến độ chín muồi để chuyển hướng hợp tác, không chỉ về chính trị đơn thuần mà phải ở các lĩnh vực khác, tạo cho BRICS một “sức sống mới”. Thứ ba, việc thành lập Ngân hàng BRICS cũng là để đáp ứng yêu cầu phát triển của các nước thành viên".

"Hai thể chế tài chính vừa thiết lập sẽ góp phần đưa BRICS trở thành một tổ chức phát triển hoàn chỉnh vào năm 2025. Nếu đạt được mục tiêu này, BRICS – hay có thể gọi là G5 – sẽ có mức độ thể chế hóa lớn hơn G7. Thực tế, G7 lại chưa có cơ chế giống như BRICS nhưng tiếng nói của G7 trong các vấn đề lớn của thế giới vẫn có sức nặng hơn. Và BRICS đang cố gắng hướng tới điều đó" – TS. Hoàng Anh Tuấn phân tích thêm.

Nói về những thuận lợi và khó khăn mà BRICS gặp phải khi đưa ra 2 thể chế tài chính mới này, TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng: "Những thể chế tài chính mới này giúp các nước thành viên BRICS được sử dụng đồng nội tệ của mình mà không phải thông qua đồng USD đang chi phối thị trường. Các nước BRICS cũng được sử dụng nguồn lực riêng của mình, ít chịu ảnh hưởng của các thể chế tài chính quốc tế.

Nhưng bên cạnh đó vẫn có những khó khăn và cũng là thực tế mà BRICS đang phải đối mặt bởi các nước thành viên BRICS hầu hết đều chưa có kinh nghiệm trong việc điều hành một ngân hàng mang tính quốc tế. Và ngay cả hệ thống ngân hàng của các nước thành viên cũng có những khó khăn riêng. Hy vọng rằng BRICS có thể vượt qua được khó khăn này, song trước mắt khó khăn, thách thức là không thể tránh khỏi với BRICS".

Để biết rõ hơn những phân tích của TS. Hoàng Anh Tuấn về vấn đề này, mời quý vị cùng theo dõi video dưới đây:

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước