Hiện thực hóa cam kết khi còn tranh cử, Tổng thống Mỹ đã ký văn bản đề xuất giao cơ quan chức năng đề xuất kế hoạch tăng thuế trị giá có thể lên tới 60 triệu USD đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu. Tổng thống Mỹ cho rằng đây là cách giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc được cho lên tới hơn 300 tỉ USD.
Việc ông Donald Trump ra quyết định áp thuế với mặt hàng nhôm và thép được dư luận tại Mỹ cho rằng nhằm chủ yếu vào Trung Quốc. Những đồng minh đối tác và láng giềng của Mỹ đã được loại trừ tạm thời. Với Trung Quốc, cho tới nay các phát ngôn của quốc gia này đưa ra tương đối mạnh mẽ.
"Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra danh sách 120 mặt hàng trị giá 3 tỷ USD, chủ yếu nhằm mặt hàng nông nghiệp nhằm bù đắp lại" - TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao phân tích - "Thực ra, số lượng nhôm thép của Trung Quốc vào Mỹ chỉ khoảng 2,7% trong tổng số hàng triệu tấn mà Mỹ nhập khẩu hàng năm nhưng nó cũng có tác động mạnh bởi có thể khơi mào những hoạt động khác".
"Quan điểm của ông Trump và chính quyền Mỹ tương đối cực đoan trong vấn đề với Trung Quốc. Thậm chí, có những vấn đề như thâm hụt thương mại họ nói không thể kiểm soát được nữa và buộc phải có biện pháp trả đũa. Qua theo dõi, chính quyền Mỹ đã xác định 4 lĩnh vực mà sắp tới đây quan hệ Mỹ - Trung sẽ cạnh tranh quyết liệt. Thứ nhất là công nghệ, thứ 2 là tuyên truyền, thứ 3 là kinh tế và thứ 4 là quốc phòng, an ninh".
"Có lẽ chính Trung Quốc đã chưa đánh giá đúng mức độ cứng rắn của chính quyền Trump. Họ chưa lường hết được những căng thẳng thương mại hiện nay có thể leo thang thành cuộc chiến thương mại có tác động tới Trung Quốc, khu vực và thế giới. Đây mới chỉ là giai đoạn thăm dò lẫn nhau để tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp. Tôi e rằng với bộ máy cực đoan và những nhân sự như hiện tại thì rất khó có điểm thỏa hiệp, chắc sẽ có biện pháp cứng rắn hơn nữa trong thời thời gian tới", TS. Trần Việt Thái nói.