Ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nồng nhiệt chào đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại ranh giới quân sự, đánh dấu sự kiện nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ khi chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953. Trong cuốn sổ lưu niệm tại Nhà hòa bình ở Hàn Quốc, nơi các cuộc gặp diễn ra, nhà lãnh đạo 34 tuổi của Triều Tiên đã viết trang sử mới bắt đầu từ đây, thời đại của hòa bình, nơi khởi đầu của lịch sử.
Bình luận cuộc gặp mang tính lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, báo chí quốc tế đã nhận định cuộc gặp này có thể tạo ra bước ngoặt trong môi trường địa chính trị được coi là một trong những điểm nóng nhất trên thế giới. Những gì mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên cùng đưa ra trong một bản tuyên bố chung cũng được đánh giá là khá táo bạo. Đó là sẽ chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật kéo dài suốt hơn 5 thập kỷ qua trên bán đảo Triều Tiên bằng một hiệp định hòa bình vào trước cuối năm nay. Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất một mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Những mục tiêu xa đang được tiến tới bằng những bước đi gần.
Liệu cuộc gặp này có mở ra trang sử mới cho lịch sử của bán đảo Triều Tiên? Đây có phải cơ hội của thời đại hòa bình? Những câu hỏi này sẽ được đưa ra phân tích trong chương trình Toàn cảnh thế giới với sự tham gia của ông Nguyễn Vinh Quang - Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quốc tế.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, kết quả lớn nhất của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là tạo một không khí mới, hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên, điều mà cách đây vài năm không thể tưởng tượng được.
"Trước hết, phải nói thái độ, cử chỉ của hai nhà lãnh đạo lúc gặp nhau đã tạo ra ấn tượng tốt, đáng hoan nghênh. Thứ hai là cả hai bên đã ra được tuyên bố chung, nêu được hầu hết các vấn đề của hai miền Triều Tiên, không chỉ nêu mà còn đưa ra phương án giải quyết, hơn nữa còn định ra được lịch trình giải quyết rất rõ rang. Điều đó làm cho bản cam kết có tính đảm bảo hơn", ông Nguyễn Vinh Quang phân tích.
"Cuộc gặp này tạo ra một đà tích cực cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trước mắt còn nhiều nghi ngờ do ấn tượng trong quá khứ nhưng cuộc gặp vừa qua đã có kết quả rất tịch cực, đáng hoan nghênh", ông Nguyễn Vinh Quang nói thêm.
Những diễn biến tích cực tại khu vực Đông Bắc Á gần đây nói chung và trên bán đảo Triều Tiên nói riêng được dư luận gọi là những cơn lốc ngoại giao, mang lại không khí mới cho khu vực. Tiếp sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, giờ đây sự quan tâm của cộng đồng quốc tế lại đổ dồn vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới, với một sự lạc quan thận trọng. Sự lạc quan là bởi kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vừa qua đã tạo đà nền tảng cho cuộc gặp chưa từng có hai nhà lãnh đạo thuộc hai quốc gia đối đầu trong suốt những thập kỷ qua. Còn sự thận trọng là bởi quan điểm của các bên về phi hạt nhân hóa của các bên còn quá khác xa nhau.
Đối với Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên hoàn toàn giao vũ khí hạt nhân, dỡ bỏ cơ sở nghiên cứu phát triển, chuyên giao các nguyên liệu phân hạch cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, cho phép các cơ quan này thực hiện các đợt thanh sát thường xuyên. Bình Nhưỡng quay trở lại với Hiệp ước chống phổ biến vũ khí NPT. Trong khi đó, đối với Triều Tiên, phi hạt nhân lại là Mỹ từ bỏ chính sách duy trì chiếc ô hạt nhân cho Nhật Bản. Rõ ràng, đây là điều Mỹ không thể chấp nhận.