Một bầu không khí căng thẳng đang bao trùm tại Trung Đông trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia khởi nguồn từ việc Saudi Arabia quyết định hành quyết 47 người với tội danh khủng bố, trong đó có 1 giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr. Vụ việc đang lan nhanh như một đám lửa lớn kéo Iran, Saudi Arabia và rất nhiều quốc gia khác vào cuộc đối đầu về tôn giáo đầy nguy hiểm.
Ở khu vực Trung Đông vốn đầy rẫy bạo lực sắc tộc và rất nhiều điểm nóng đáng lo ngại, tình huống đối đầu giữa hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn là Saudi Arabia và Iran càng như “đổ thêm dầu vào lửa”. Theo ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Bộ Ngoại giao, nguyên nhân thực sự của căng thẳng này là sự cạnh tranh giữa đa số người dòng Sunni ở Saudi Arabia với đa số người dòng Shiite ở Iran khi có những quan điểm đối đầu nhau.
“Saudi Arabia coi các hoạt động của giáo sĩ Nimr al-Nimr, chủ yếu từ năm 2011 đến nay, là các hoạt động khủng bố, cho rằng điều đó ảnh hưởng tới an ninh và hòa bình, ổn định ở Saudi Arabia. Hơn nữa, Saudi Arabia cũng nhiều lần cảnh báo Iran về việc không được can thiệp vào cộng đồng người Shiite vì việc đưa ra phán quyết với ông Nimr al-Nimr là vấn đề nội bộ của Saudi Arabia. Nhưng chính quyền Iran cho rằng họ không can thiệp vào công việc nội bộ của Saudi Arabia. Iran cho rằng Saudi Arabia có thể hành xử nhân đạo nhưng thực chất đã quá cứng rắn...” - ông Trần Việt Thái phân tích.
Theo ông Trần Việt Thái, căng thẳng giữa Iran - Saudi Araba bùng phát vào thời điểm này là vì 3 nguyên nhân: giá dầu giảm, quan hệ Mỹ - Iran - phương Tây được cải thiện và việc chính quyền Saudi Arabia dựng lên một liên minh chống IS, trong đó có một liên minh ở Yemen do Iran hậu thuẫn thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
“Thời gian qua, giá dầu giảm mạnh đã tác động nghiêm trọng tới nguồn thu của Saudi Arabia, ảnh hưởng tới trật tự an ninh xã hội, đời sống của người dân và chi tiêu của chính phủ. Cạnh tranh giữa các nước trong khu vực là cái cớ để chuyển hướng sự bất đồng trong nước. Mặt khác, quan hệ Mỹ - Iran - phương Tây gần đây được cải thiện đáng kể, đặc biệt là sau khi Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân dân sự P5+1. Điều này tác động mạnh tới Saudi Arabia - vốn là đồng minh thân thiết của Mỹ và phương tây. Trong bối cảnh Mỹ đang rút dần khỏi Trung Đông và Bắc Phi, Saudi Arabia bị mất vai trò nên họ phải tìm một lý do để 'thổi' vai trò của mình lên, chính là các mâu thuẫn giáo phái” - ông Trần Việt Thái nhấn mạnh.
Nhận định về nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Iran và Saudi Arabia, ông Trần Việt Thái cho rằng: “Căng thẳng này sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Trung Đông, tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh khó có thể xảy ra. Song mâu thuẫn này sẽ tác động rất sâu sắc và ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng tìm ra một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc nội chiến hiện nay ở Syria vì quan điểm của Iran và Saudi Arabia rất khác nhau”.
“Việc nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran sẽ không hề đơn giản. Vừa qua đã có một số động thái hòa dịu của hai bên nhưng chừng nào các quan chức ngoại giao chưa gặp nhau sẽ rất khó để hai bên có thể đạt được thỏa hiệp, đặc biệt là việc mỗi bên đều nêu những điều kiện tiên quyết của mình, trong đó có những điều kiện không thể nào đáp ứng được ngay”.
Để lắng nghe chi tiết hơn những phân tích của ông Trần Việt Thái về cuộc đối đầu căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, mời quý vị cùng theo dõi trong video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!