Cuộc chiến cam go của toàn thế giới chống lại biến đổi khí hậu đã đạt được bước ngoặt với thỏa thuận Paris tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc COP21. Thỏa thuận khí hậu Paris được coi là một trong những thành công lớn nhất trong năm 2015 của thế giới. Không chỉ thể hiện ở những mục tiêu hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu mà còn thỏa thuận này còn mang ý nghĩa chính trị to lớn. Sau những bất đồng kéo dài nhiều năm, các nước đã vượt qua được sự khác biệt, tìm được tiếng nói chung trong một vấn đề, cùng chung tay gánh vác trách nhiệm.
Đây là một thỏa thuận lịch sử mang tính đột phá, lần đầu tiên 196 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu đã cam kết bước trên con đường chung. Theo TS Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quốc tế, thỏa thuận khí hậu Paris đạt được nhờ sự ủng hộ của một số nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Âu...
“Có ba lý do cơ bản dẫn tới sự ra đời của thỏa thuận khí hậu Paris. Đầu tiên là thế giới đã có thức tỉnh mới về nguy cơ biến đổi khí hậu. Thứ hai là các nước đã có động lực kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, nhiều nước tái cơ cấu đặt mục tiêu đi tới nền kinh tế xanh và công nghệ xanh. Công nghệ xanh đã chuẩn bị cho việc thế giới bước vào thời kì kỷ nguyên nguyên liệu hóa thạch kết thúc. Ngoài ra, thỏa thuận Pari không thể có được nếu không có sự ãnh đạo của một số nước đứng đầu thế giới".
Ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, một vấn khác cũng nhận được sự quan tâm của dư luận toàn cầu là cuộc chiến tại Syria. Theo đó, vào ngày 17/12 vừa qua, một nghị quyết đã được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn nguồn thu nhập tài chính của tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Nghị quyết được Nga và Mỹ cùng bảo trợ cho thấy hai nước đã tìm được tiếng nói chung đầu tiên trong vấn đề này.
Cụ thể, Bộ Trưởng Tài chính của 15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết ngăn chặn các nguồn thu nhập của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Nghị quyết do Nga và Mỹ đồng bảo trợ yêu cầu các nước thuộc Liên Hợp Quốc có hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn các nguồn thu nhập của IS từ việc bán dầu, đồ cổ, bắt cóc tống tiền và các hoạt động tội phạm khác. Các biện pháp mới cũng bao gồm lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản, lệnh cấm vận chuyển vũ khí với những đối tượng thuộc hoặc ủng hộ IS, các quốc gia cần tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về hoạt động chống khủng bố.
Đánh giá về nghị quyết này, TS Nguyễn Ngọc Trường cho rằng: “Chiến lược chống khủng bố bắt đầu từ ngăn chặn nguồn tài chính có tính chất quan trọng quyết định, bởi lẽ dạ dày gần trái tím. Bên cạnh đó, từ trước tới nay một số nước vẫn trục lợi từ vấn đề bán dầu. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã khóa những cánh cửa này lại. Đây là đòn điểm huyệt chí mạng của cộng đồng quốc tế".
"Nghị quyết đạt được nhờ sự thỏa hiệp nhân nhượng giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề tài chính quan trọng những vẫn không thể bỏ qua cuộc chiến trên thực địa”, TS Nguyễn Ngọc Trường nói thêm.
Để tìm hiểu về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Toàn cảnh thế giới qua video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!