Israel mở rộng tấn công trên bộ tại Gaza
Thông báo mở rộng tấn công trên bộ đã được quân đội Israel đưa ra tối thứ Sáu vừa qua, sau hai đêm liên tiếp xe tăng Israel tiến vào Gaza. Thiếu tướng Daniel Hagari - Người phát ngôn quân đội Israel: "Sau hàng loạt cuộc tấn công những ngày qua, lực lượng bộ binh sẽ mở rộng chiến dịch vào tối nay".
Lữ đoàn Al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas cho biết lực lượng này đã đụng độ binh lính Israel tại thị trấn Beit Hanoun ở Đông Bắc Gaza và thị trấn Al-Bureij ở miền Trung Gaza.
Những hình ảnh vệ tinh được cập nhật cuối tuần qua cho thấy quy mô các cuộc không kích liên tiếp của Israel vào Dải Gaza, ít nhất một nửa số nhà cửa ở Gaza đã bị phá hủy. Chỉ riêng đêm 24/10, quân đội Israel ném bom hơn 400 mục tiêu tại Gaza, hơn 700 người Palestine thiệt mạng. Người dân Gaza liên tục nhận được yêu cầu sơ tán xuống phía nam. Những người đi lánh nạn đang sống trong cảnh tạm bợ, trông chờ vào đồ cứu trợ.
Ông Omar al-namera - Người dân Gaza: "Chúng tôi đang sống thế nào ư? Nửa cái bánh mì để ăn trong 2 ngày, 1 chai nước để uống trong 4 ngày". Và ngay cả khu vực miền Nam cũng đã trở thành mục tiêu bị đánh bom. Rất nhiều người dân Gaza đã chọn ở lại.
Người dân thị trấn Beer al-Naja, miền Bắc Gaza: "Ở đây không còn lại ngôi nhà nào, nhưng chúng tôi sẽ không đi đâu cả, chúng tôi sẽ không rời bỏ quê hương".
Một chiến dịch trên bộ gây lo ngại về một thảm họa nhân đạo còn lớn hơn nữa và nguy cơ xung đột lan rộng.
Ông Hakan Fidan - Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ: "Một chiến dịch trên bộ ở Gaza sẽ biến bạo lực thành một cuộc thảm sát toàn diện. Các giải pháp nhằm ngăn chặn chiến tranh và tấn công vào dân thường là rất khẩn cấp".
Ông Riyad al-maliki - Bộ trưởng Ngoại giao Palestine: "Ngừng bắn là cần thiết và thực sự quan trọng, chúng ta phải bắt đầu cung cấp nước, điện, thực phẩm, nhiên liệu, vật tư y tế, thiết bị y tế và kể cả đội ngũ nhân viên y tế".
Xung đột Israel - Hamas: vòng luẩn quẩn bạo lực
Năm 2008
Cuối tháng 12 năm 2008, Israel phát động cuộc tấn công quân sự ở Gaza sau khi phía Hamas bắn tên lửa vào miền Nam Israel. Khoảng 1.400 người Palestine và 13 người Israel đã thiệt mạng.
Ông Amr Hamzawy - Trung tâm Carnegie về Trung Đông: "Mục tiêu của Israel là phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas và ép phong trào này xuống mức không còn tiếng nói nào ở Gaza, để cho khu vực này được an toàn theo quan điểm của Israel. Và điều này sẽ không thể đạt được nếu không phát động chiến dịch trên bộ, nên họ đã làm điều đó".
Năm 2012
Cuộc chiến tại Gaza lần 2 bùng phát tháng 11/2012 khi Israel tiêu diệt tham mưu trưởng quân đội của lực lượng Hamas, Ahmad Jabari, dẫn đến các đợt giao tranh qua lại kéo dài 8 ngày giữa các tay súng Palestine và phía Israel khiến hơn 170 người thiệt mạng.
Năm 2014
Chảo lửa Trung Đông lại sôi sục sau khi Hamas bắt cóc và sát hại 3 thiếu niên Israel ở Bờ Tây hồi đầu tháng 7/2014.
Ông Abu Ubaida - Người phát ngôn Lữ đoàn Al-Qassam của Hamas: "Không ai ra lệnh cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ bảo vệ người dân và bảo vệ đất đai của mình".
Đáp lại, Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích vào các cơ sở của Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: "Mục đích mọi hành động của chúng tôi là mang lại sự bình yên và an ninh cho tất cả người dân Israel, đặc biệt là những người sống ở miền Nam".
Hơn 2.200 người Palestine và 73 người Israel thiệt mạng. Cuộc chiến kéo dài 50 ngày và kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn.
Năm 2021
Giao tranh lại nổ ra khi Israel đột kích Thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem vào đêm đầu tiên của tháng chay Ramadan của người Hồi giáo để đáp trả loạt tên lửa của Hamas.
Cuộc xung đột kéo dài 11 ngày đã khiến hơn 260 người Palestin và 13 người Israel thiệt mạng. Chiến sự lại một lần nữa kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn.
Kể từ khi thành lập vào cuối những năm 1980, Hamas luôn theo đuổi mục tiêu đấu tranh vũ trang và tiêu diệt Israel. Về phần mình, Israel quyết tâm quét sạch Hamas.
Sau 4 cuộc chiến tranh Gaza, sự thiếu vắng một giải pháp triệt để và lâu dài đã đẩy dải đất đau thương này một lần nữa chìm sâu vào vòng luẩn quẩn tấn công và trả đũa.
Giải pháp hai nhà nước
Giải pháp hai nhà nước, đúng với tên gọi của nó, đề xuất giải quyết xung đột Israel - Palestine bằng cách thành lập hai nhà nước cho hai dân tộc: nhà nước Israel cho người Do Thái và nhà nước Palestine cho người Arab Palestine. Giải pháp này khởi nguồn từ Nghị quyết 181 năm 1947 của Liên hợp quốc, phân vùng lãnh thổ Palestine thành hai nhà nước, trong khi thành phố Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế.
Nỗ lực này dẫn đến sự ra đời của nhà nước Israel năm 1948, nhưng không có một nhà nước Palestine được thành lập, do cộng đồng người Arab cả trong và ngoài lãnh thổ Palestine không chấp nhận kế hoạch phân chia 56% diện tích Palestine cho nhà nước của người Do Thái, khi ấy chỉ chiếm 1/3 dân số.
Sau đó là hàng thập kỷ giao tranh, xung đột, bạo lực. Hệ quả là nhà nước Israel giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Palestine, tuyên bố Jerusalem là thủ đô của mình. Hàng triệu người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn.
Thời điểm giải pháp hai nhà nước tiến gần nhất đến thành công là Hiệp định Oslo năm 1993. Theo điều khoản của hiệp định, Tổ chức Giải phóng Palestine PLO công nhận Nhà nước Israel. Hai bên thiết lập nền móng để người dân Palestine tự quản ở Bờ Tây và Dải Gaza, theo đường biên giới trước Chiến tranh 6 ngày năm 1967, tức là khi Israel chưa chiếm đóng khu Bờ Tây, Dải Gaza, Đông Jerusalem, bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan.
Dù nhiều yếu tố đã dẫn tới sự đổ vỡ của Hiệp định Oslo và sự đình trệ các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng cho đến nay, giải pháp hai nhà nước vẫn được coi là chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!