Theo thống kê của quân đội Israel, từ ngày 10/5 đến nay, lực lượng Hamas đã phóng khoảng 2.000 quả rocket về phía lãnh thổ nước này. Hệ thống phòng thủ tên lửa 'Vòm Sắt' của Israel đã ngăn chặn phần lớn rocket bắn ra.
Trong khi đó, quân đội Israel cũng đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các nhóm vũ trang tại Dải Gaza, tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của Hamas. Nhưng cũng không ít dân thường cả hai bên thương vong.
Các phong trào vũ trang ở Gaza tuyên bố sẽ thực hiện một chiến dịch mới chống lại Israel dọc theo biên giới Gaza và nhắm vào các vị trí quân sự của Israel. Quân đội Israel thì ra lệnh động viên thêm 9.000 quân dự bị và tuyên bố sẽ không nhất trí với một lệnh ngừng bắn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Đây mới chỉ là bước khởi đầu, chúng tôi sẽ tấn công họ với mức họ không thể tưởng tượng nổi".
Abu Obeida - Phát ngôn viên phong trào Hamas đáp trả: "Trước những hành động từ Israel, chúng tôi tuyên bố rằng sẽ không có lằn ranh đỏ hay các quy tắc giao tranh gì".
Người Palestine vẫy cờ Hamas bên ngoài đền thờ Al-Aqsa để phản đối hành động lấy đất của chính quyền Israel. Căng thẳng tăng cao khi hàng ngàn người Do Thái cũng đổ về khu thành cổ để kỷ niệm ngày Israel chiếm được Đông Jerusalem - Ảnh: Reuters
Hàng trăm nghìn dân thường đang phải chịu mối đe dọa rocket
Căng thẳng leo thang sau khi Israel áp đặt những hạn chế tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem đối với tín đồ Hồi giáo Palestine trong tháng lễ Ramadan, đồng thời dự định trục xuất một số người Palestine tại Đông Jerusalem.
Tình hình bắt đầu trầm trọng từ hôm 9/5, khi người dân Palestine đụng độ nghiêm trọng với lực lượng an ninh Israel bên ngoài thánh đường Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo, khiến hơn 200 người bị thương.
Sau những đợt rocket, trên đường phố, các cuộc biểu tình bạo lực đã bùng phát tại Bờ Tây trong những ngày qua. Người dân Palestines xuống đường biểu tình và đụng độ với cả cảnh sát và những người Israel gốc Do Thái. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Lod, khiến nhiều người còn lo ngại biểu tình bạo lực có thể lan rộng gây thương vong.
Phía Israel cho biết có khoảng lực lượng Hamas đã phóng khoảng 1.000 quả rocket vào các lãnh thổ nước này khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Hàng trăm nghìn dân thường đang phải chịu mối đe dọa rocket, nhiều trường học đã phải tạm dừng hoạt động. Nhưng ở chiều ngược lại, con số cập nhật cho đến đêm qua ít nhất 140 người Palestine đã thiệt mạng, gần 1.000 người bị thương. Đáng chú ý có tới gần 40 trẻ em thiệt mạng trong các đợt không kích của quân đội Israel chỉ trong 6 ngày qua.
Tòa tháp nơi đặt văn phòng của AP và các hãng truyền thông quốc tế khác bị Israel không kích đánh sập. Ảnh: AP
Diễn biến nóng nhất trong đêm qua là tòa nhà văn phòng các hãng truyền thông quốc tế, trong đó có Al Jazeera và AP đã bị các cuộc không kích của Israel đánh sập. Israel chỉ thông báo trước cho các phóng viên sơ tán khỏi tòa nhà 1 tiếng trước khi tiến hành tấn công. Đây có thể là dấu hiệu cho những diễn biến phức tạp sắp xảy ra. Các cuộc biểu tình của người Palestine đã bùng phát ngay trong đêm qua, không chỉ tại Dải Gaza hay Bờ Tây mà còn lan sang cả Qatar hay Lebanon. Tình hình có thể nói đang xấu đi khá nhanh chóng, khó lường.
Chính quyền Tổng thống Biden tỏ ra tương đối bình tĩnh
Mỹ luôn giữ vai trò và ảnh hưởng nhất định trong các vấn đề tại Trung Đông, nhưng đến nay chính quyền Tổng thống Biden vẫn tỏ ra tương đối bình tĩnh, nếu không muốn nói là chần chừ trong tiếp cận tình trạng căng thẳng lần này, dù cho vấp phải không ít sức ép từ dư luận trong nước. Động thái này bổ sung thêm một lý do để giới phân tích thấy khó dự đoán về một giải pháp hạ nhiệt vấn đề.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden bước vào cuộc chiến địa chính trị ở Trung Đông sau 4 năm chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump luôn có động thái thiên về Israel.
Ông Peter Beinart - Tạp chí Jewish Currents nhận định: "Chính quyền Tổng thống Biden nhậm chức với một mục tiêu quan trọng: Tránh vấn đề Israel-Palestine. Ông Biden đã đưa hồ sơ Israel-Palestine cho một thứ trưởng ngoại giao. Sự tương phản với chính quyền ông Obama không thể rõ ràng hơn".
Khi những căng thẳng có nguy cơ trở thành cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi giảm leo thang bạo lực ở khu vực này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: "Cho đến nay chưa có một phản ứng thái quá đáng kể nào. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể giảm đáng kể các cuộc tấn công, đặc biệt là các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các khu dân cư".
Một khẩu đội pháo của IDF gần biên giới Israel-Gaza, ngày 13/5/2021. Ảnh: Timesofisrael
Mỹ là quốc gia duy nhất có thể tác động lên Israel, tuy nhiên điều Nhà Trắng làm hiện chưa thể hiện được gì nhiều. Các tổng thống Mỹ thường có xu hướng thận trọng khi nghiên cứu về vấn đề hòa bình Trung Đông trong những tháng đầu nhiệm kỳ và chính quyềnTtổng thống Joe Biden cũng không ngoại lệ.
Ông Brian Katulis - Chuyên gia tại Trung tâm tiến bộ Mỹ nhận xét: "Ông Biden đã hướng ưu tiên trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ vào mặt trận trong nước, với trọng tâm là đại dịch và nền kinh tế. Trên mặt trận đối ngoại, ông chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và biến đổi khí hậu. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến vài ngày qua cho thấy mọi thứ có thể biến thành mớ bòng bong như thế nào".
Mỹ không liên hệ với Hamas vì vẫn coi lực lượng này là tổ chức khủng bố, Mỹ cũng chưa có dấu hiệu sẽ gây áp lực lên Israel, trừ khi căng thẳng tiếp diễn hay đẩy cao trong những tuần tới. Hy vọng về vai trò trung gian hòa giải, lúc này dư luận đang ít đặt ở chính quyền Tổng thống Biden, thay vào đó chuyển sang cho Liên Hợp Quốc và Ai Cập với sự trông đợi một lệnh ngừng bắn sớm có hiệu lực.
Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên giảm leo thang
Vai trò trung gian của các bên được xem là đặc biệt quan trọng. Vì thông thường, các cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine hạ nhiệt hoặc ngừng bắn, thông qua các trung gian quốc tế như Ai Cập, Liên Hợp Quốc, Mỹ, các tổ chức quốc tế. Trên thực tế, tương quan lực lượng không cân bằng, trong khi quân đội và cảnh sát Israel được trang bị tối tân có thể tấn công áp đảo hoặc gây áp lực tối đa đối với các phong trào ở Gaza hay Bờ Tây và người Palestine.
Hạ nhiệt căng thẳng bằng cách nào cũng là điều cộng đồng quốc tế quan tâm. Vì một khủng hoảng kéo dài ở Trung Đông, ít khi nào là chuyện riêng của hai bên xung đột, ở đây là Israel và Palestine. Càng kéo dài thì bất ổn với cả khu vực sẽ chỉ càng lớn thêm.
Một địa điểm ở thành phố Ramat Gan, Israel trúng rocket vào ngày 15/5/2021. Ảnh: Timesofisrael
Những người dân Palestine chật vật tìm nơi trú ẩn tại những trường học do Liên Hợp Quốc điều hành. Gần 1 tuần qua, giao tranh liên tiếp giữa Israel và Palestine đã cướp đi sinh mạng ít nhất 130 người ở cả hai phía, hơn 12 nghìn người phải di tản. Xung đột leo thang đã đẩy tình hình khu vực bên lề một cuộc khủng hoảng an ninh và khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn.
Ông Stephane Dujarric - Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khuyến cáo: "Sự leo thang quân sự những ngày qua đã gây ra nhiều đau khổ và tàn phá, nó đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều dân thường, bao gồm cả trẻ em. Giao tranh có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo không thể giải quyết và tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan, không chỉ ở Israel và Palestine, mà còn trong toàn bộ khu vực".
Trước thực trạng này, nhiều nước trong khu vực cũng đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt xung đột. Hôm 14/5, Ai Cập và Jordan đã thảo luận tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột ở Dải Gaza và khôi phục hòa bình thông qua một giải pháp cân bằng và lâu dài. Cùng ngày, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng kêu gọi các bên liên quan triển khai ngay các biện pháp nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và khởi động một cuộc đối thoại chính trị. Trong khi cộng đồng quốc tế liên tiếp bày tỏ lo ngại, kêu gọi các bên giảm leo thang căng thẳng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: "Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều muốn kết thúc chu kỳ bạo lực và trả đũa, giảm leo thang căng thẳng, cả hai bên cần ngồi xuống đối thoại và chấm dứt xung đột, điều đó là hoàn toàn có thể".
Thi thể các nạn nhân Palestine thiệt mạng sau vụ tấn công của Israel vào trại tị nạn Al Shati trong đêm 14-15/5. Ảnh: New York Times
Tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn là câu chuyện dài
Trong lúc này, vai trò của các cơ chế đa phương cũng được đề cao nhằm tìm kiếm các giải pháp hạ nhiệt, đem lại hòa bình, ổn định cho khu vực. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thì tái khẳng định chỉ có một giải pháp chính trị bền vững mới dẫn đến hòa bình lâu dài.
"Những leo thang căng thẳng gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc khởi động lại tiến trình hòa bình, vì đó là cách duy nhất. Tôi thực sự tin rằng chúng ta cần thúc đẩy một giải pháp hai nhà nước, chung sống trong hòa bình, với các mối quan hệ bình thường hóa với khu vực và sự tham gia đầy đủ của các nước, cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho tiến trình hòa bình đạt hiệu quả tích cực", ông Antonio Guterres nói.
Nhiều nước, trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc cũng cùng chung quan điểm. Ông Sergei Lavrov - Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết: "Nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này là triệu tập cuộc họp nhóm Bộ tứ gồm Liên Hợp Quốc, EU, Nga và Mỹ".
Tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay Israel-Palestine là vô cùng cấp thiết. Thế nhưng, để có được hòa bình, ổn định bền vững tại khu vực, để tiến trình hòa bình Trung Đông có những bước tiến đột phá, có lẽ vẫn là một câu chuyện dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!