Kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang diễn ra và cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên đang là chủ đề chi phối sự quan tâm lớn. Giữa lúc các tuyên bố đầy trái ngược liên tục được đưa ra về giải pháp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hạt nhân này, một sự kiện mang tính khích lệ lớn đối với công cuộc rải rác vũ khí hạt nhân trên toàn cầu đã diễn ra. Hơn 50 quốc gia đã ký vào bản hiệp ước đầu tiên cấm toàn diện các hoạt động liên quan đến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Đây là hiệp ước có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giải trừ hoàn toàn loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Trong số các quốc gia đã ký vào bản hiệp ước có cả Việt Nam. Hôm qua (23/9), đại diện của Việt Nam – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh – đã đặt bút ký vào văn kiện quan trọng này.
TS Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cho rằng sự ra đời của Hiệp ước cấm toàn diện các hoạt động liên quan tới vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới là rất cần thiết và cấp bách. Trước khi hiệp ước này ra đời, thế giới đã có Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí, Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân từng phần, Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện và có chế độ kiểm soát xuất khẩu tên lửa. Tuy thế giới đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn loại vũ khí hủy diệt này song có không ít quốc gia vẫn cố gắng tìm cách sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân.
"Nhu cầu có một hiệp ước mang tính toàn diện hơn là một nhu cầu cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề Iran, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang diễn biến phức tạp", ông Trần Việt Thái chia sẻ.
Bên cạnh những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, có không ít quốc gia từng là nạn nhân của vũ khí hạt nhân hoặc đang được bảo vệ bởi "chiếc ô" hạt nhân cũng quyết định không tham gia ký kết hiệp ước. Lý giải về điều này, TS Trần Việt Thái cho rằng có 3 lý do chính: một số nước vẫn dựa vào sự răn đe của những nước sở hữu vũ khí hạt nhân, một số nước khác có quan điểm nên tập trung vào điều 6 của Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân thay vì tạo ra những hiệp ước mới, một số nước như Nhật Bản cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để ký vào bản hiệp ước này, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản đang bị quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Triều Tiên đe dọa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!