Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh TTXVN)
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII sẽ xem xét cho ý kiến vào báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đề ra các giải pháp quan trọng tiếp tục đổi mới công tác cán bộ cho thời gian tới.
Nhân dịp này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương có bài viết: 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ và những bài học quý giá cho chúng ta; nêu bật những kết quả cũng như những bài học lớn cho công tác cán bộ sau 20 năm thực hiện chiến lược này.
Trong bài viết nêu rõ sau 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng được nâng lên; cơ cấu ngày một hợp lý. Đa số cán bộ có ý thức rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước.
Khẳng định những thành quả đạt được, bài viết cũng nêu rõ những mặt tồn tại. Đó là đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng không mạnh; chất lượng không đồng đều, vừa thừa, vừa thiếu; không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ có biểu hiện suy thoái, thậm chí vi phạm pháp luật. Chỉ trong 10 năm gần đây, ở các tập đoàn, tổng công ty đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật.
Công tác cán bộ tuy đã từng bước đi vào nền nếp, ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân vẫn xảy ra ở một số nơi gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhưng chậm được khắc phục; Công tác quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông; Công tác luân chuyển còn một số hạn chế; Chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu. Thiếu cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài.
Trên cơ sở đánh giá thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, đồng chí Phạm Minh Chính đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm quý đối với công tác cán bộ. Đó là các cấp ủy và đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, qua đó thấy rõ trách nhiệm của mình đối với tương lai đất nước trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp; cùng với đó phải tăng cường và rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn, giúp cho cán bộ trưởng thành, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng cho rằng để làm tốt công tác cán bộ phải quán triệt quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và phải luôn bảo đảm sự hài hòa, hợp lý giữa kế thừa và phát triển; giữa "xây" và "chống"; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa "đức" và "tài"; giữa bằng cấp và năng lực thực tiễn; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể và cá nhân; giữa phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm soát quyền lực, giữa siết chặt kỷ luật, kỷ cương với tạo môi trường để cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Cuối cùng, để làm tốt công tác cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải có trách nhiệm trong đánh giá, bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Bởi đây là những người có vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!