2.000 năm Phật giáo song hành cùng dân tộc Việt

Việt Hùng-Thứ năm, ngày 08/05/2014 08:32 GMT+7

Trong suốt 4.000 năm lịch sử của dân tộc, phật giáo với tư cách là một tôn giáo chính thống đã tồn tại và gắn bó với đời sống người dân Việt trong suốt 2.000 năm qua.

Kể từ những năm đầu Công nguyên khi nhà sư Khâu Đà La từ Ấn Độ tới truyền giáo và xây dựng những ngôi chùa đầu tiên ở trung tâm hành chính, văn hóa và tôn giáo Luy Lâu xưa, nay thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh. Vậy vì sao phật giáo lại có sức sống mạnh mẽ và lâu dài đến vậy trong đời sống người dân Việt Nam?.

Nhân dịp Đại lễ Phật đản quốc tế Vesak 2014 chuẩn bị được khai mạc tại Ninh Bình, chúng ta hãy cùng nhìn lại câu trả lời cho sự trường tồn của phật giáo trên mảnh đất Việt trong suốt 2.000 năm lịch sử đã qua.

Chùa Dâu, một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam hiện nay còn lại trên mảnh đất Luy Lâu xưa, nay thuộc địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa được xây dựng từ những năm đầu Công nguyên và thực sự là chứng tích còn sót lại của quá trình phật giáo được du nhập vào Việt Nam. Chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ bà Dâu (tức Pháp Vân hay thần Mây), một trong 4 huyền thoại thuộc hệ thống Tứ Pháp được cư dân nông nghiệp thờ tự. Rõ ràng ở đây đã có sự kết hợp khéo léo giữa phật giáo và tín ngưỡng của cư dân bản địa.

‘ Chùa Bái Đính - nơi diễn ra Đại lễ Phật đản Vesak 2014. Ảnh: báo Đầu tư

Nhà sử học Lê Văn Lan phân tích: “Rõ ràng phật giáo trong những ngày đầu đặt chân tới Việt Nam đã có sự kết hợp rất khéo léo với tín ngưỡng của cư dân bản địa, vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước. Mà đã là cư dân nông nghiệp lúa nước thì luôn thờ tự những hiện tượng tự nhiên như Mây, Mưa, Sấm, Chớp mà chúng ta gọi là hệ thống Tứ Pháp bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện”.

Trong suốt 2.000 năm song hành cùng đời sống người dân Việt Nam, bằng sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng và văn hóa bản địa, có những thời kỳ phật giáo đã phát triển rực rỡ, đặc biệt là dưới thời hai vương triều Lý và Trần. Hàng loạt những ngôi chùa nổi tiếng đã được xây dựng trong thời kỳ này tại kinh đô Thăng Long thời đó như chùa Trấn Quốc, chùa Láng, chùa Kim Liên; thậm chí một thiền phái đặc biệt riêng có tại Việt Nam là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng đã được Trần Nhân Tông - vị vua thứ ba của triều Trần sáng lập vào thế kỷ XIII sau khi ông nhường ngôi xuất gia làm Hòa thượng.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận xét: “Người Việt Nam có truyền thống thờ cúng tổ tiên lâu đời, có thể nói rằng đã là người Việt thì ai cũng thờ cúng tổ tiên, trong khi đó trong giáo lý phật giáo cũng có những điều hướng người ta nhớ đến mẹ cha, nguồn cội. Chính sự gần gũi về quan điểm này đã cho phật giáo điều kiện tiếp nhận những quan điểm tín ngưỡng và nét văn hóa rất riêng của người Việt. Đó chính là lý do vì sao phật giáo lại ăn sâu bén rễ trong đời sống tâm linh và văn hóa của người Việt”.

2.000 năm lịch sử với bao biến cố và bao vương triều đã đi qua cùng với chừng ấy thời gian. Nhưng những gì là kết tinh của những giá trị tinh thần dân tộc thì vẫn còn mãi. Có thể nói sự giao hòa giữa phật giáo và những quan niệm về cuộc sống, đạo đức, tình người từ ngàn xưa của người Việt thực sự đã trở thành nền tảng vững chắc để phật giáo, dù vốn là một tôn giáo ngoại lai, nhưng đã thực sự ăn sâu và trở thành một điều gì đó rất thân quen trong đời sống của người dân Việt trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước