526 điểm sạt lở tại ĐBSCL

VTV9-Thứ tư, ngày 10/04/2019 08:56 GMT+7

(Ảnh minh họa: Dân trí)

VTV.vn - Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL tiếp tục có những diễn biến phức tạp, toàn vùng đang có 526 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 800km.

Trong đó, có gần 60 điểm đặc biệt nguy hiểm, cần có giải pháp cấp bách để xử lý. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo về giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL diễn ra tại tỉnh Cà Mau.

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2018, các địa phương vùng ĐBSCL đã được hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển. Nhiều giải pháp đã được triển khai, bước đầu đem lại kết quả khả quan, giúp các địa phương bảo vệ được đất đai, khôi phục được rừng phòng hộ. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế hiện nay ở các địa phương vẫn còn rất lớn vì tình trạng sạt lở đang diễn ra khá phổ biến trên toàn vùng.

Riêng tại tỉnh Cà Mau, trong giai đoạn từ năm 2007 - 2014, tỉnh này đã mất khoảng 7.800ha đất ven biển do sạt lở. Hiện tỉnh Cà Mau đang có hơn 100km bờ biển bị sạt lở, trong khi đó chỉ mới có 28km bờ biển được bảo vệ bằng hệ thống kè. Tình trạng sạt lở bờ sông được xem là thảm họa đối với tỉnh Cà Mau, nhưng do thiếu kinh phí nên chỉ những đoạn đặc biệt nguy hiểm, có đông dân cư sinh sống mới được ưu tiên đầu tư kè bảo vệ.

Cho rằng tình trạng sạt lở đang diễn ra nhanh hơn tốc độ bồi đắp, nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đề nghị cần có thêm những nghiên cứu sâu để tìm ra giải pháp phù hợp cho vùng ĐBSCL, nhất là cần có thêm những giải pháp công trình mới với mức đầu tư ít tốn kém nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.


Người dân ĐBSCL nghèo vì sạt lở Người dân ĐBSCL nghèo vì sạt lở

VTV.vn - Sạt lở khiến đất ở, đất canh tác bị mất đi nhanh chóng, đời sống người dân vốn khó khăn nay càng vất vả hơn, cư dân ngày càng nghèo vì thiếu đất sản xuất.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước