60 năm ngày giải phóng: Kỷ niệm đặc biệt của những người con Hà Nội

Xuân Tùng-Thứ bảy, ngày 01/02/2014 15:24 GMT+7

Năm nay Hà Nội sẽ kỷ niệm tròn 60 năm ngày giải phóng 1954-2014. Sáu mươi năm không phải chặng đường dài so với lịch sử một thành phố nghìn năm tuổi, nhưng là quãng thời gian đặc biệt với những người con Hà Nội.

Đó có thể là quãng thời gian đi sơ tán, nhìn về Thủ đô với những quầng lửa bom, là niềm vui vỡ òa trong ngày Bắc - Nam thống nhất năm 1975. Và đó cũng có thể là những trăn trở trước một Hà Nội đang chuyển mình.

Ngày 30/4/1975, đường phố ở trung tâm Thủ đô Hà Nội gần như vỡ òa khi biết tin Sài Gòn đã giải phóng. Những đoàn nghệ thuật của Thủ đô từ trước đó đã được thông báo để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, đó là lý do tại sao, gần như ngay lập tức, Hồ Gươm trở thành một “Quảng trường” của niềm vui chiến thắng.

Hòa cùng dòng người hân hoan niềm vui thống nhất, Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh năm đó là thiếu nữ 21 tuổi và đã là một nghệ sĩ nổi tiếng. Cũng như nhiều người Hà Nội, đó là một cảm xúc bị dồn nén. Niềm vui ngày đất nước hoàn toàn thống nhất xen lẫn với ấn tượng bi hùng của những ngày tháng không thể nào quên khi Hà Nội trực tiếp hứng chịu bom đạn của chiến tranh.

Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh nhớ lại: "Người Hà Nội lúc đó ăn mặc rất giản dị vì vừa mới trải qua chiến tranh, từng nét mặt của người dân lúc đó cũng rất mộc mạc. Sự vui sướng với niềm vui đất nước mới giải phóng không quá rạng rỡ như bây giờ, nhưng trong từng tâm tư của mỗi người vẫn còn ám ảnh bởi sự kinh hoàng của chiến tranh”.

‘ Đoàn quân Điện Biên Phủ tiến về Hà Nội. Ảnh: HNM

Ngược lại thời gian trước ngày nước nhà thống nhất, Noel 1972, Hà Nội đã phải trải qua một thử thách ghê gớm. Đã không còn nữa một Thăng Long phi chiến địa, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội mới cảm nhận được trực tiếp sự tàn khốc của bom đạn và đau thương của những mất mát.

Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phi công tiêm kích MIG 21 khi đó có mặt tại Sở chỉ huy phòng không không quân đặt tại chùa Trầm, cách Hà Nội chừng 20km. Ông đã chết lặng người khi chứng kiến B52 rải thảm Thủ đô. “Rải thảm là một luồng lửa, đỏ rực, bom cứ nổ thành từng dãy liên tục và sáng ở trên màn hình. Chúng tôi khóc thương cho bà con ta, thương cho dân Hà Nội đã hy sinh trong cuộc chiến đấu này"...

Hà Nội, thành phố anh hùng, thành phố Hòa Bình… ngay sau Hiệp định Paris, Hà Nội lại bắt tay vào công cuộc tái thiết xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khu tập thể lắp ghép Trung Tự với những tổ ấm nho nhỏ thời bao cấp…ước mơ giản dị người Hà Nội của một thời xe đạp, cặp lồng, tem phiếu. Người Hà Nội đã sống những năm tháng như vậy khi hòa bình được lập lại.

60 năm đã đi qua kể từ ngày những người lính Điện Biên Phủ tiến về giải phóng Thủ đô. Hà Nội đã đi qua chặng đường dài với nhiều hy sinh, mất mát. Dù chưa là gì so với lịch sử 1000 năm đầy biến động của Thăng Long xưa, nhưng đã cho thấy sức sống mãnh liệt của một thành phố chưa bao giờ chịu khuất phục.

Quý vị khán giả có thể xem video chi tiết dưới đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước