Nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động cả năm trời. Ảnh: VnE
Giống như hàng ngàn lao động khác ở Khu công nghiệp Sóng Thần, anh Nguyễn Thành Phú đã thất nghiệp từ nhiều tháng nay. Quê ở Quảng Bình, anh và vợ lên TP.HCM làm việc đã gần 5 năm, đồng lương công nhân ít ỏi, lại thêm đứa con trai bị bệnh về mắt nên sau 5 năm làm việc, đến giờ cuộc sống vẫn chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Từ lúc thất nghiệp đến giờ, anh Phú vẫn chưa tìm được việc, toàn bộ chi tiêu trong gia đình đều tùy thuộc vào đồng lương công nhân may của vợ.
Anh Nguyễn Thành Phú, Công ty dịch vụ bảo vệ Hoàng Vân Gia, TP.HCM cho biết: “Lý do được biết là công ty cắt giảm biên chế, tuy nhiên, lúc tôi bị cho nghỉ việc thì hoàn toàn không có một đồng nào từ bảo hiểm thất nghiệp. Trong ba năm làm việc, tôi và nhiều công nhân khác không hề được công ty mua cho bất kỳ loại bảo hiểm nào từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp…”.
Năm 2012, Chi cục Thuế TP.HCM đã nhận 6.000 thông báo ngừng hoạt động từ các doanh nghiệp, đồng nghĩa với hàng chục nghìn lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Hầu hết không nhận được đồng nào từ trợ cấp thất nghiệp hoặc những sự hỗ trợ của các tổ chức, công đoàn.
Kinh doanh không hiệu quả, Trung tâm điều hành mạng S-Telecom, vẫn được biết đến với cái tên S-Fone, chấm dứt hợp đồng với gần như toàn bộ nhân viên kể từ 11/6/2012, nhưng từ nhiều tháng trước đó, hàng trăm lao động của S-Fone đã bị chậm lương. Và khi họ phải ra đi thì không chỉ tiền lương, mà tiền bảo hiểm xã hội cùng hàng loạt khoản trợ cấp cơ bản khác đều bị công ty nợ lại, tổng số nợ lên đến hơn 60 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phi Long, Phó TGĐ Tài chính và Nội vụ, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) cho biết: “Với những nỗ lực, mặc dù đang trong quá trình kinh doanh hết sức khó khăn như hiện nay, SPT vẫn cố gắng và cam kết với người lao động sẽ thực hiện mọi trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự xin lỗi với người lao động, những người đã và đang là cán bộ CNV của S-Fone”.
Chủ sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm, người lao động đương nhiên có quyền khiếu nại, thậm chí khiếu kiện. Nhưng hóa ra, trong câu chuyện của những người lao động cũ của S-Fone, đường đi của những lá đơn là một vòng tròn.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng dịch vụ khách hàng, Trung tâm điều hành mạng S-Telecom (S-Fone): “Chúng tôi gửi đến cho tất cả các Phòng LĐ-TBXH, rồi Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội, Sở LĐ-TBXH TP.Hà Nội, Thanh tra Sở LĐ-TBXH Hà Nội, chúng tôi đều có gửi đơn, cũng có những nơi trả lời chúng tôi bằng điện thoại, có những nơi trả lời bằng phiếu chuyển tiếp. Mà cái chuyển tiếp đơn giản là gì? Chuyến tiếp khiếu nại của tập thể người lao động đến ông Hoàng Sỹ Hóa, là Tổng giám đốc Công ty SPT, đề nghị ông giải quyết”.
Trả lời báo chí về hướng giải quyết vấn đề nợ lương, BHXH và trợ cấp của người lao động, đại diện Bộ LĐ-TBXH cho biết, trước mắt đã gửi công điện đề nghị chính quyền và sở LĐ-TBXH các địa phương phối hợp tập trung giải quyết, thậm chí tính đến phương án tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người lao động.
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Tỉnh tạm ứng trước, trả cho những người có danh sách trên bảng lương của doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp còn nợ, sau đó là xử lý tài sản của những DN này thì hoàn trả lại phần ngân sách Nhà nước. Trường hợp tài sản xử lý không đủ thì báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đó là một bước trong đề xuất của Bộ trong vấn đề tháo gỡ nợ lương của người lao động hiện nay”.
Dẫu vậy, những biện pháp kể trên vẫn đi kèm với những từ như “dự kiến”, “đang đề xuất”, “trình Chính phủ”, “sẽ” hoặc “tới đây”. Trong khi đó, ngay lúc này, hàng vạn người lao động đang ngóng chờ được nhận đồng lương chính đáng của mình trong vô vọng...