Ngày mai (22/3) là ngày Nước thế giới. Liên Hợp Quốc lấy chủ đề cho ngày nước năm nay là Nước Thải, với mục đích kêu gọi giảm thiểu, tái sử dụng nước thải và cải thiện vòng tuần hoàn nước.
Thực tế ở nước ta có đến 70% lượng nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, chiều nay tại Bắc Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo về vấn đề này.
Tại Hội thảo này, các báo cáo đã chỉ rõ: Hiện hầu hết các sông ngòi, kể cả các sông chính của nước ta đều đang ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Nguyên nhân chính là do hiện nay, khoảng 70% chất thải công nghiệp, sinh hoạt và một khối lượng lớn chất thải y tế nguy hại ở nước ta chưa được xử lý triệt để, xả thẳng vào nguồn nước.
Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý đã bàn thảo các giải pháp về cơ chế xử lý vi phạm trong xả thải vào nguồn nước, cũng như các giải pháp về công nghệ trong xử lý, tái chế, tái sử dụng nước thải nhằm bảo vệ môi trường , sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên nước.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong và trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước chính là do nước thải chứa nhiều thành phần độc hại không được xử lý triệt để, xả thẳng vào nguồn nước.
Khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng, Lào Cai, một trong những khu công nghiệp lớn ở phía Bắc nhiều năm xả thải nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước .
Theo quy định, các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, nhiều năm, khu công nghiệp này không xử lý nước thải tập trung. Nhiều cơ sở xả thẳng nước thải ra các sông suối xung quanh, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài hạ tầng của KCN chưa hoàn thiện, nguyên nhân chính của tình trạng này là do ý thức của các doanh nghiệp.
Hiện gần 70% lượng nước thải công nghiệp, sinh hoạt, 40% lượng nước thải y tế trong cả nước chưa được xử lý triệt để. Nhiều khu vực thuộc các lưu vực sông lớn như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai luôn ô nhiễm nghiêm trọng do phải tiếp nhận các loại nước thải chưa qua xử lý.
Các chuyên gia môi trường cho rằng việc xử lý triệt để nước thải đang đặt ra cấp thiết. Bởi nếu làm tốt công tác này chúng ta không chỉ xử lý ô nhiễm môi trường mà còn tái sử dụng, tiết kiệm tài nguyên nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!