An ninh lương thực: vấn đề trọng tâm toàn cầu

Úy Thương-Thứ sáu, ngày 18/02/2011 09:52 GMT+7

Ngân hàng thế giới vừa công bố bản báo cáo mới nhất về tình hình giá cả lương thực trên thế giới, vấn đề đang trở thành vấn đề trọng tâm của toàn cầu hiện nay.

Bản báo cáo này cho thấy chỉ số giá lương thực đã tăng 15% từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2011. Vì vậy, vấn đề an ninh lương thực sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc ngân hàng nhóm G20 sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối tuần này.

Theo ông Hassan Zaman, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, Hội nghị G20 sẽ thảo luận về các biện pháp giải quyết vấn đề lạm phát lương thực, tránh để tình trạng hiện nay thêm tồi tệ. Những biện pháp được đề xuất bao gồm giảm bớt hoặc thậm chí là dỡ bỏ những rào cản đối với xuất khẩu lương thực, đảm bảo sự minh bạch thông tin về dự trữ lương thực thực tế của mỗi quốc gia, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về tăng năng suất trong sản xuất lương thực và chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia.

Ông Zaman đưa ra hai đặc điểm của tình trạng lạm phát. Thứ nhất là giá cả không tăng ở tất cả các mặt hàng lương thực, mà chỉ tập trung ở các mặt hàng như đường, dầu ăn, lúa mì, ngô bắt đầu từ nửa cuối năm ngoái. Thứ hai, sự lên xuống của giá lương thực không đồng đều và lan từ khu vực này tới khu vực khác.

Đề cập về lý do tăng giá, ông Zaman đưa ra 3 yếu tố chính, đó là điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm giảm sản lượng lúa mỳ ở nhiều quốc gia như Nga, Australia, và Canada. Thứ hai, một số nước đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ từ mùa hè năm ngoái, và thứ ba là giá dầu thô tăng cao khiến người dân phải sử dụng ngũ cốc như ngô làm nguyên liệu chế biến dầu sinh học.

Ông Zaman, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới: “Lương thực và giá lương thực là những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo rằng, con người không bị rơi vào tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là một tổ chức tài chính là dành ưu tiên cho vấn đề ngăn chặn lạm phát. Vì vậy tôi cho rằng, đó sẽ là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị G20”.

Nhà kinh tế trưởng này cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ hàng đầu của mỗi chính phủ hiện nay là mở rộng bảo hiểm xã hội, đưa ra các kế hoạch về mạng lưới an ninh lương thực và dinh dưỡng nhằm đảm bảo mức sống cơ bản cho những người nghèo nhất trong xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, giá lúa mỳ toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ tháng 6/2010 đến tháng 1/2011. Lạm phát lương thực đã khiến số người nghèo sống dưới mức 1,25USD/ngày tăng cao, đồng thời tình trạng suy dinh dưỡng cũng trầm trọng hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước