Ông Nhượng còn cho biết: "Bây giờ cứ khi nào có tiền là tôi rút ngay để khỏi nguy hiểm, kể cả chưa dùng đến".
Khi người dân cảm thấy không an toàn, họ sẽ tự vệ bằng những cách khá cực đoan như vậy. Thiệt hại đầu tiên sẽ thuộc về chính các ngân hàng khi mất đi một lượng vốn nhàn rỗi không nhỏ trong các tài khoản thẻ.
Thực tế, một số ngân hàng đã phản ứng nhanh trước các vụ ăn cắp thông tin thẻ gần đây. Ngân hàng Ngoại thương đã có cảnh báo khách hàng về biện pháp che tay khi bấm số PIN, còn đại diện Vietinbank khẳng định, ngân hàng này đã có các biện pháp nghiệp vụ để phòng chống rủi ro.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết: "Đa số các ngân hàng đã lắp đặt thiết bị anti-skimming để hạn chế việc dễ dàng lắp thiết bị ăn cắp thông tin thẻ".
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, khi tất cả máy ATM trong hệ thống đã liên thông, dù chỉ một máy ATM của một ngân hàng nào đó không được bảo vệ, kẻ gian đã có thể lợi dụng mắt xích yếu này để thâm nhập vào hệ thống. Do đó, về dài hạn, một giải pháp được cho là có thể hạn chế triệt để rủi ro này là chuyển đổi từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip.
"Công nghệ anti-skimming không ai có thể khẳng định được là không bị ăn trộm 100%. Có nhiều cách xử lý khác, nhưng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là việc phải làm để đảm bảo an toàn", ông Nguyễn Trọng Khang, Tổng giám đốc công ty thẻ MK khẳng định.
Giải pháp chuyển đổi sang sử dụng công nghệ thẻ chip đã rất thành công tại Malaysia khi loại tội phạm ăn cắp thông tin thẻ đã giảm mạnh. Con chip được gắn trên thẻ hoạt động như một chiếc máy tính siêu nhỏ, khả năng sao chép thông tin thẻ là không thể.
Mới đây nhất, Ngân hàng nhà nước vừa công bố Dự thảo thông tư quy định khá chi tiết về các tiêu chuẩn an toàn đối với máy ATM. Tuy nhiên, sự thiếu các chế tài trong dự thảo có thể khiến việc thực hiện phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện của mỗi ngân hàng trong hệ thống.