Ảnh hưởng của bão số 12: Các địa phương nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 05/11/2017 06:08 GMT+7

Nhiều tuyến đường tại Lâm Đồng bị chia cắt vì bão số 12. Ảnh: Báo NLĐ

VTV.vn - Các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra.

* Tại Đà Nẵng, bão số 12 đã đánh chìm 4 thuyền thúng của ngư dân khi đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang; 189 cây xanh bị nghiêng và ngã đổ; khoảng 5 ha tại vùng rau La Hường, quận Cẩm Lệ bị ngập. Đặc biệt, tại các quận, huyện, nhiều pano phục vụ tuyên truyền phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã bị đổ, hư hỏng, nhất là trên tuyến đường ven biển như: đường Võ Nguyên Giáp, đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà. Đến tối 4/11, công tác khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12 gây ra đã cơ bản được hoàn tất.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, tại Đà Nẵng, tổng lượng mưa phổ biến 70 - 150 mm, có nơi trên 200 mm. Dự báo từ đêm 4 - 8/11, có khả năng tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến 300 - 500mm, có nơi trên 600mm. Do đó, có thể xuất hiện lũ, ngập lụt trên địa bàn thành phố, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng, thấp.

Ảnh hưởng của bão số 12: Các địa phương nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra - Ảnh 1.

Bão số 12 gây thiệt hại tại Đà Nẵng. Ảnh: Báo Dân trí

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện rà soát, chú ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan, Cu Đê và khu vực biển Liên Chiểu, sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn.

Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thành phố triển khai phương án phòng chống ngập, lụt các khu vực đô thị và các tuyến đường giao thông; chỉ đạo Công ty Công viên Cây xanh thực hiện công tác chằng chống và tỉa cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ; chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho các khu dân cư, các công trình đang thi công.

Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và các địa phương chỉ đạo, tổ chức chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, đảm bảo an toàn giao thông. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty thoát nước và xử lý nước thải phối hợp với UBND huyện Hòa Vang, UBND quận Liên Chiểu thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình.

* Ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra gió lốc và mưa lớn, gây lũ quét. Theo thông tin ban đầu, đã có 3 người chết, hàng trăm ha hoa màu bị nước lũ cuốn trôi hoặc ngập úng, hàng chục ngôi nhà bị sập và hư hỏng. Thành phố Đà Lạt và một số địa phương khác chưa có điện trở lại.

Ông Kơ Dơng Ha Quyên, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Chais cho biết: Khoảng 9h ngày 4/11, nước lũ bất ngờ lên nhanh, quét qua toàn bộ địa bàn xã khiến toàn bộ khu vực canh tác bằng nhà kính của Công ty Vin Eco và một số nhà dân chìm sâu trong nước, nhiều đoạn đường trên Quốc lộ 27C từ Đà Lạt đi Nha Trang cũng bị ngập sâu. Ít nhất đã có 40 ngôi nhà trên đại bàn xã bị sập và hư hỏng. Thôn Long Lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương là địa bàn bị thiệt hại nặng nhất. 90 ha rau màu trong nhà kính của các doanh nghiệp và nhân dân chìm sâu trong nước.

Một căn nhà bị sập làm 2 người chết là bà Nguyễn Thị Tân (sinh năm 1956, quê ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội; thường trú tại thôn 1 xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) và bà Lương Thị Xoan (sinh năm 1965, thường trú tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Ảnh hưởng của bão số 12: Các địa phương nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả bão số 12. Ảnh: Báo NLĐ

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lực lượng của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cùng các lực lượng của huyện Lạc Dương có mặt tại xã Đạ Chais giúp nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả của bão. UBND tỉnh đã hỗ trợ mỗi gia đình của 2 nạn nhân bị thiệt mạng 2,5 triệu đồng.

Tại thành phố Đà Lạt, vào lúc 14h ngày 4/11, anh Lê Trung Minh Quý (sinh năm 1983, trú tại phường 3) trong lúc đi vớt cá bị ngã vào tràn hồ Tuyền Lâm và bị nước cuốn trôi. Thi thể nạn nhân đã được tìm thấy tại phía hạ lưu tràn vào khoảng 16h cùng ngày.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh có 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 70 ngôi nhà tại các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông bị hư hỏng; trên 150 ha rau màu trồng trong nhà kính và lúa, bắp, cà phê… tại huyện Lạc Dương, Đam Rông bị lũ cuốn trôi hoặc ngập úng. Đặc biệt, hai cây cầu sắt bị lũ cuốn trôi khiến xã Đạ Long của huyện Đam Rông, xóm Rlu của huyện Lâm Hà đang bị cô lập...

Tỉnh Lâm Đồng đã có công điện khẩn, chỉ đạo các trường học cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học trong ngày 4/11 để đảm bảo an toàn.

* Ông Lê Viết Thuận - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết: Đến 17h ngày 4/11, do ảnh hưởng của bão số 12, tại tỉnh Đắk Nông có khoảng 20 ngôi nhà tại hai huyện Krông Nô, Đắk Song bị tốc mái; hàng chục ha hồ tiêu, cà phê tại huyện Krông Nô bị đổ ngã.

Tại xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, mưa lớn kèm theo gió mạnh kéo dài làm tốc mái nhiều ngôi nhà, hàng nghìn trụ tiêu bị gãy đổ. UBND xã huy động lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng lên phương án phòng chống trong bối cảnh nước sông Krông Nô dự kiến sẽ dâng cao từ rạng sáng 5/11. Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết, Công ty đã thông báo rộng rãi việc xả lũ điều tiết và đã bắt đầu xả lũ hồ thủy điện buôn Tua Sah từ 13h ngày 4/11, các hồ Buôn Kuốp, Sêrêpốk 3 từ 17h ngày 4/11.

Các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đang tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để khắc phục thiệt hại do bão số 12 gây ra. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông và các huyện trực 24/24h từ chiều 3/11.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông, từ nay đến ngày 8/11, trên các sông khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp. Người dân cần theo dõi chi tiết trong các bản tin cảnh báo lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu diện rộng để chủ động phòng, chống bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

* Đến 21h ngày 4/11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mưa đã giảm. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị tập trung giúp đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là các địa phương phía Đông của tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai sớm ổn định cuộc sống.

Các đơn vị bộ đội, công an đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức đưa các gia đình bị sập nhà, tốc mái nhà về tạm trú tại các cơ quan, đơn vị hoặc ở tạm nhà dân, lo cho đồng bào ăn uống hợp vệ sinh. Lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn viên thanh niên, phụ nữ… cũng nhanh chóng tổ chức dọn dẹp vệ sinh, cây đổ, phân luồng, tuyến giao thông, ở những nơi có tuyến đường ngập sâu có biển báo hoặc có người hướng dẫn, các ngầm bị hư hỏng, các đơn vị chức năng, địa phương cảnh báo cấm người, phương tiện qua lại.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã thành lập ba đoàn công tác đến các vùng trọng điểm bị thiên tai như: huyện M’Đắk, Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông để cùng với các địa phương, sở ngành liên quan trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả của thiên tai…

Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh phổ biến đạt mực nước dâng bình thường; các hồ thủy lợi lớn đã xả lũ.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, thiệt hại do cơn bão số 12 trên địa bàn tỉnh đã làm 1 người chết, 3 người bị thương. Tỉnh có 113 nhà bị sập (chủ yếu là nhà chưa kiên cố); có 1.307 nhà dân, 5 trụ sở cơ quan và 11 trường học bị tốc mái; có 302 hộ dân phải di dời. Nhiều trụ điện bị đổ, gãy; nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, cầu, cống bị trôi, hư hỏng gây chia cắt giao thông làm nhiều khu dân cư bị cô lập (có 2.323 hộ dân bị cô lập). Tỉnh Đắk Lắk còn có 7.759 ha cây trồng các loại bị gãy, đổ và ngập lụt, tập trung chủ yếu ở các huyện phía Đông và phía Đông Nam của tỉnh…

Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi khắc phục hậu quả bão số 12, sẵn sàng cho APEC Chủ tịch Đà Nẵng kêu gọi khắc phục hậu quả bão số 12, sẵn sàng cho APEC Phú Yên tập trung ổn định cuộc sống người dân sau cơn bão số 12 Phú Yên tập trung ổn định cuộc sống người dân sau cơn bão số 12 Cấp điện trở lại cho một số khu vực bị bão số 12 đổ bộ Cấp điện trở lại cho một số khu vực bị bão số 12 đổ bộ

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước