Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, uy tín của Đảng bị giảm sút, Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất là chính Người…
PGS, TS.Bùi Đình Phong, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM: “Bác hoàn toàn nhận khuyết điểm về mình, Bác nói: Chúng ta chủ quan nghe ít, thấy ít, Bác nhận khuyết điểm trong cơn sóng gió này, khuyết điểm của Bác dẫn đến vấn đề này, vấn đề khác trong cải cách ruộng đất. Người ta thấy Bác thực sự là người vì nước, vì dân”.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về Hồ Chí Minh nhận thấy, Bác Hồ được tin yêu, kính trọng một phần là do cách phê bình, ứng xử thấu tình đạt lý với cán bộ mắc khuyết điểm.
Đáng chú ý là Bác ứng xử có lý, có tình với khuyết điểm của đồng chí mình. Vấn đề ở chỗ là nhận thức được khuyết điểm, phân tích nguyên nhân vì đâu sinh ra khuyết điểm đó và tìm mọi cách khắc phục. Gốc rễ vấn đề là ở chỗ, Bác giải thích rất đúng, con người không phải thánh thần, nên chuyện có khuyết điểm cũng không có gì xa lạ.
TS.Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh: “Cách phát biểu của Bác bao giờ cũng thấu lý đạt tình, phát biểu việc chứ không phải phát biểu người. Trong họp Bộ Chính trị, Bác bằng mọi cách gợi ra các ý kiến để mọi người phát biểu một cách dân chủ. Bác luôn có cách đảm bảo dân chủ trong sinh hoạt, trong đối thoại”.
Quan điểm của Bác là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Bác từng chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm không công khai, chẳng khác nào có bệnh mà giấu bệnh”. Các đồng chí làm việc quanh Bác đều hoàn thiện nhân cách nhờ vậy. Lịch sử đã chứng minh: Đảng ta ngày một lớn mạnh sau những lần công khai thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, để đề ra được những quyết sách lãnh đạo chèo lái con thuyền của đất nước.