Triển lãm do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với nhiều ban ngành, địa phương tổ chức, được sưu tầm và chuẩn bị trong suốt 6 tháng qua. 200 tài liệu, thư tịch, hiện vật và bản đồ cổ được trưng bày là sự khẳng định rõ ràng, khách quan và thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
‘ Cắt băng khai mạc Triển lãm.
"Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu... Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển...” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, 1836). Một trong 19 châu bản Triều Nguyễn là phần trưng bày quan trọng nhất của triển lãm, khẳng định tính pháp lý, tính sở hữu Nhà nước của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, lần đầu tiên được công bố rộng rãi tới công chúng.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông, Trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết: “Những văn bản này không nước nào có, nó thể hiện Việt Nam thực thi các quyền của Nhà nước với Hoàng Sa - Trường Sa trong suốt hàng trăm năm, mà lại trong hòa bình, không có ai đòi tranh chấp. Những tranh chấp chỉ thực sự xuất hiện trong khoảng 100 năm trở lại đây...”.
‘ Bản đồ các nguồn nhiên liệu và năng lượng xuất bản tại Mỹ năm 1975 thể hiện phần lãnh thổ cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
200 hiện vật, thư tịch, tài liệu, bản đồ trưng bày, mang tính bổ sung, logic và thống nhất với nhau. Các bản đồ, thư tịch cổ của Việt Nam, của Phương Tây và của chính Trung Quốc đều khẳng định, quốc giới phía Nam của Trung Quốc chỉ đến hết đảo Hải Nam, đồng thời, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng biển của Việt Nam.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Trong những tấm bản đồ này, chính Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận Hoàng Sa - Trường Sa nằm trong vùng biển của họ. Chúng đều phủ định những lập luận của họ bây giờ...”.
‘ 34 mảng trưng bày, sắp xếp theo từng nội dung, có phiên dịch, chú thích rõ ràng bằng tiếng Việt và tiếng Anh giúp người xem sẽ có cái nhìn xuyên suốt và hệ thống được rõ ràng: Bản đồ Việt Nam thế kỷ XVI-XIX, bản đồ phương Tây vẽ Trung Quốc và Việt Nam, bản đồ của chính Trung Quốc, các tư liệu thời nhà Nguyễn và thời kỳ trước năm 1975, hình ảnh Trường Sa hiện tại...
Tiến sĩ Mai Hồng, người hiến tặng bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” chia sẻ: “Tôi mừng lắm! Người có tình yêu với biển đảo Tổ quốc thì ai cũng mừng khi được xem một triển lãm như thế này”.
‘ Bản đồ của tỉnh Quảng Đông (do Trung Quốc tái bản năm 1933) phần cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Ảnh: NLĐ
Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, Trưởng ban chỉ đạo Triển lãm nhấn mạnh: “Thông điệp rõ ràng tới nhân dân thế giới và Trung Quốc, rằng nhân dân Việt Nam đã luôn khẳng định, gìn giữ chủ quyền của mình, trên tinh thần hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Nhân dân Việt Nam và thế giới đều cần được biết đến những tư liệu lịch sử này, đây chính là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển của cha ông.
Triển lãm dự kiến đến hết ngày 15/7.