Báo cáo giám sát của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế

Quang Đông (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 01/11/2014 20:42 GMT+7

Báo cáo giám sát cho biết, qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Sáng nay (01/11), Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015). Đây là một trong hai cuộc giám sát tối cao của Quốc hội.

Báo cáo giám sát cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Trong tái đầu tư công, vốn đầu tư khu vực nhà nước dù giảm về số tuyệt đối những vẫn giữ tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Cũng trong 3 năm, 180 doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp trong số đó, 99 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Theo kế hoạch, tới cuối quý III/2015, toàn bộ doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa sẽ tiến hành bán cổ phần lần đầu. Nhiều doanh nghiệp nhà nước bảo đảm được về năng lực tài chính, bảo đảm chỉ tiêu đạt ngân sách nhà nước.

Báo cáo giám sát cũng cho biết, trong lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã phê duyệt được 8 trong số 9 phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Trong gần 3 năm trở lại đây, đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói: “Phân bổ nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí tập trung cho nhiều dự án quan trọng, cấp bách có hiệu quả và các dự án đang thi công dở dang; việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã thu được kết quả nhiều hơn. Các DNNN tiếp tục được sắp xếp, chấn chỉnh, đổi mới, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính; việc thực hiện CPH, thoái vốn có chuyển biến mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2014”.

Nhưng báo cáo giám sát cũng chỉ ra những hạn chế trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó là tình trạng bội chi ngân sách và mức trả nợ công vượt ngưỡng 25% là một thách thức lớn; tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình thấp chưa được xử lý triệt để. Giải quyết nợ xấu trong tái cấu trúc ngành ngân hàng chưa được triển khai đồng bộ; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tín dụng chưa được khắc phục:

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết thêm: “Quá trình tái cơ cấu càng cho thấy rõ hơn thực trạng của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng mới chưa thực sự định hình, chưa tính toán được một cách toàn diện mối quan hệ tác động lẫn nhau trong tái cơ cấu ở các lĩnh vực trọng tâm và cả nền kinh tế”.

Khẳng định việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, báo cáo giám sát kiến nghị cần kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước