Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt hơn 14.000 MW. Nhiệt điện than được đánh giá là cho giá thành điện thấp chỉ sau thủy điện, bởi vốn đầu tư không quá cao và thời gian xây dựng nhanh. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường lại là một thách thức do vấn đề trong xử lý khí thải và tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than. Đây cũng chính là nội dung một cuộc Hội thảo tổ chức sáng nay (29/8) tại Hà Nội.
Chất thải từ nhà máy nhiệt điện than gồm cả chất thải rắn, lỏng và khí. Trung bình mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện than thải ra 16 triệu tấn tro xỉ và thạch cao. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển tro xỉ đã xảy ra một số sự cố như việc phát sinh bụi tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Việc tiêu thụ tro xỉ tại các tỉnh miền Bắc mới được sử dụng nhiều làm gạch không nung và phụ gia xi măng. Còn tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, việc tiêu thụ tro xỉ hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có được thị trường tiêu thụ. Những bất cập trong quy chuẩn 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý phát thải khí đối với các nhà máy nhiệt điện cũng khiến giá thành điện tăng lên từ 70 - 80 đồng/kwh.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đề cập đến những giải pháp để đảm bảo môi trường hài hòa với sự phát triển điện năng của đất nước. Sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và xử lý tái chế tro, xỉ. Đối với quy chuẩn 22 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cần có những sửa đổi, ban hành phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!