Cá nóc được tận thu sẽ giúp ngư dân có thêm thu nhập. Ảnh: danviet
Việc tổ chức khai thác, chế biến xuất khẩu mặt hàng này được triển khai thực hiện không chỉ có ý nghĩa đối với ngành thủy sản, mà còn góp phần đáng kể trong việc nâng cao nguồn lợi kinh tế cho ngư dân.
Đề án thí điểm xuất khẩu cá nóc được thực hiện, hơn ai hết, ngư dân là những người phấn khởi trước tiên. Trước đây, khi gặp cá nóc, người ta thường bỏ ngay tại biển hoặc chỉ có thể mang về bán cá phân. Giờ đây, cá nóc được tận dụng để bán, nhưng không còn lén lút nữa. Chỉ riêng tại vùng biển Kiên Giang, mỗi năm có thể khai thác được khoảng 6000-7000 tấn cá nóc. Việc đánh bắt, chế biển để xuất khẩu chúng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho ngư dân, mà còn có ý nghĩa đặc biệt với ngành thủy sản địa phương.
Theo bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang: “Người dân bán được cá nóc, giúp cho chi phí chuyến biển hiệu quả hơn. Cá nóc hiện nay chỉ xuất được 3 loại cá nóc thôi, không độc. Trong thời gian tới, chúng tôi có chương trình nghiên cứu xuất khẩu thêm cá nóc độc, chiết xuất chất độc để làm thuốc thì cũng có khả năng tăng thêm thu nhập cho người dân”.
Thực hiện chủ trương thí điểm chế biến, xuất khẩu cá nóc, Chính phủ đã quyết định cho phép 2 tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang triển khai bước đầu. Tại Kiên Giang, tỉnh này đã giao cho 2 đơn vị chế biến và 4 cơ sở thu mua bảo quản và vận chuyển cá nóc tại cảng cá Tắc Cậu theo đúng yêu cầu kỹ thuật của nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc. Theo đánh giá của các nhà máy, ngoài Hàn Quốc thì một số thị trường khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá nóc với số lượng lớn, với mục đích chế biến thành món ăn sau khi đã áp dụng kỹ thuật tách lọc chất độc ra khỏi cá theo những qui trình khắt khe.
Ông Cao Hương Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Mai Sao (An Giang) cho biết: “Ngoài Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là nước nhắm tới sản phẩm này. Dự tính cuối năm nay, chuyện cá nóc xuất khẩu sẽ được bà con biết đến nhiều, người ta sẽ có cách bảo quản, chế biến tốt hơn khi đánh bắt, có điều kiện tăng chất lượng lên thì mới có thị trường Nhật Bản”.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang khẳng định: “Các tàu được phép khai thác xuất khẩu cá nóc sẽ được tập huấn khai thác, bảo quản sản phẩm để con cá nóc được tốt hơn. Một chương trình nữa cũng sẽ hỗ trợ ngư dân, nuôi cá nóc để xuất khẩu, nếu phát triển được sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh Kiên Giang”.
Ngày nay, người ta đã bắt đầu quan tâm hơn đến lợi ích kinh tế từ loài cá vốn được mệnh danh là cá tử thần này và đang từng bước đưa chúng trở thành một nguồn lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Cũng cần nói thêm rằng, đến thời điểm này, hoạt động khai thác, kinh doanh và tiêu thụ cá nóc vẫn luôn bị cấm dưới mọi hình thức tại thị trường nội địa. Vì tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị nhiễm độc do độc tố của loài cá nóc gây ra.