Thành viên công ty Toàn Cầu và tang vật vụ án. (hanoimoi.com)
Bằng hình thức tra cứu thông tin về các hãng cung cấp thiết bị y tế hàng đầu thế giới trên mạng Internet, Hoàng đã chỉ đạo nhân viên làm giả “thư ủy quyền” của những đơn vị này cho phép Công ty Toàn Cầu được cung cấp, bán hàng dưới hình thức đấu thầu, hoặc chào bán trực tiếp sản phẩm của các hãng tới các bệnh viện trên thị trường Việt Nam.
Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội 14, PC14 Công an TP.Hà Nội cho biết: “Chúng dùng thủ đoạn đặt đơn hàng qua hòm thư điện tử với công ty chính hãng, sau đó người ta trả lời qua thư điện tử về nội dung đơn hàng cũng như giá cả. Chúng scan lại con dấu và chữ ký, sau đó thay đổi nội dung phía trên. Khi các đơn vị mua thiết bị y tế trong nước đòi hỏi có xác nhận nguồn gốc xuất xứ chính hãng, thì do có sẵn con dấu và chữ ký, chúng chỉ cần điền nội dung phía trên theo như yêu cầu của bên mua đòi hỏi. Do đó, các đơn vị đã tin và đặt mua các thiết bị”.
Bước đầu điều tra, cơ quan công an phát hiện: Qua 3 năm hoạt động, Công ty Toàn Cầu đã ký khoảng 200 hợp đồng bán thiết bị y tế cho gần 20 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Các trang thiết bị được bán bao gồm nhiều chủng loại, từ thiết bị, dụng cụ y tế đơn giản đến hiện đại, như: Máy làm ấm máu, máy sốc tim, máy tán sỏi nội soi, máy siêu âm...
Vốn là những người có học vấn nên các đối tượng chủ mưu trong vụ việc này đã dùng các thủ đoạn rất tinh vi của công nghệ thông tin, nên các bộ hồ sơ, văn bản mà công ty này làm giả khi gửi đến các bệnh viện dự thầu đều rất khó có thể phát hiện. Đặc biệt, các con dấu và chữ ký sau khi được scan lại trông không hề khác.
Được hỏi: Vì sao bị can làm giả thư uỷ quyền? Bị can Hà Mạnh Hoàng trả lời: “Thư uỷ quyền rất đơn giản, vì thư uỷ quyền không có đủ logo của Acess heath và viết thư trông đơn giản, không thuộc form các đơn vị chấm thầu ở VN”.
Với những giấy tờ văn bản giả mạo về nguồn gốc xuất xứ thì câu hỏi đặt ra là: Những thiết bị này được nhập từ đâu, chất lượng như thế nào và hậu quả của nó ra sao nếu những thiết bị đó không đảm bảo chất lượng.
Theo GS.Hoàng Đức Kiệt, Chủ tịch Hiệp hội Điện quang và Y học hạt nhân VN: “Một bệnh viện ở Hà Nội đã đặt nẹp vít bằng kim loại vào người bệnh nhân. Sau khi đặt nẹp vít ở lưng cột sống, về sau nẹp bị gãy, lúc đó người ta mới tìm hiểu ra nẹp đó không phải nguồn gốc xuất xứ như bệnh viện đã đặt mua. Khi bị gãy như thế, bệnh nhân sẽ phải chịu thêm 2 cuộc phẫu thuật...”.
Hiện vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ. Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Công an cho thấy: Số các bệnh viện mua trang thiết bị y tế của Công ty TNHH tư vấn và thương mại Toàn Cầu không chỉ ở trên địa bàn Hà Nội, mà còn có khả năng có mặt ở nhiều tỉnh thành khác.