Bát nháo dịch vụ trông xe

Quang Huy-Thứ hai, ngày 09/05/2011 12:00 GMT+7

Các dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội - kể cả có quản lý hay tự phát hiện đang được xem như một loại hình kinh doanh “siêu lợi nhuận”. Đầu tư ít, phí trông xe thì cứ tăng thoải mái theo kiểu “té nước theo mưa”.

Nếu tính toán chi tiết thì không khó để thấy rằng: Lãi ròng của dịch vụ này có thể gấp tới hàng nghìn lần so với chi phí đầu tư. Nhưng, quản lý loại hình dịch vụ này như thế nào mới là vấn đề lớn.

Tìm hiểu thực tế của các phóng viên VTV cho thấy, một bức tranh khá “bát nháo” của hoạt động trông giữ xe hiện nay. Đang có nhiều cấp cùng quản lý một loại hình dịch vụ đơn giản như thế, nhưng đấy cũng lại là kẽ hở để những đơn vị kinh doanh tự ý thu chi không theo một quy định chuẩn nào.

Người tiêu dùng vẫn đang phải chấp nhận việc trả giá vô lý khi gửi xe mà khó biết phải tìm đến ai để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong khi đó, một phần lớn tiền thu được từ dịch vụ trông giữ xe đã không được nộp đúng, đủ vào ngân sách Nhà nước.

Một cuộn dây thừng, vài cái cọc, đó là tài sản công khai có giá nhất để đầu tư cho loại hình kinh doanh trông giữ xe. Thậm chí có nơi cũng chẳng cần mất đến một sợi dây thừng, thế nhưng, mỗi tháng kinh doanh, một bãi gửi xe có thể kiếm được vài chục triệu đồng.

Không cần xuất vé - có nghĩa số tiền mà các bãi gửi xe thu được sẽ không được hạch toán. Và như vậy thì quá khó để quản lý nổi lợi nhuận là bao nhiêu và nộp thuế thế nào.

Với dịch vụ trông giữ xe, nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập... vốn được tính trên doanh thu theo vé. Và như vậy lại dựa vào sự tự giác của đơn vị kinh doanh thì tiền rơi vào túi ai là câu hỏi chưa có được trả lời thỏa đáng. Nhưng, với những gì đang diễn ra, thì chắc chắn một lượng tiền lớn đã không được nộp vào ngân sách như đáng lẽ phải thế.

Trên phố Lý Nam Đế, cứ khoảng 200 mét lại thấy một tấm biển trông giữ xe. Trên mỗi tấm biển lại đề tên của một công ty khác nhau. Chỉ trên con phố dài chưa đầy 1km, đã có tới 3 đơn vị được cấp phép quản lý khai thác điểm đỗ xe. Góc phố Phùng Hưng - Bát Đàn cũng tương tự, ngay cả những người làm nhiệm vụ trông giữ xe cũng không biết có bao nhiêu đơn vị quản lý điểm trông giữ xe ở đây.

Đã rất nhiều người đi gửi xe tự đặt câu hỏi: Chẳng biết cơ quan nào đang chịu trách nhiệm quản lý các điểm trông giữ xe? Thế nhưng, ngay đến Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thuộc Bộ Giao thông Vận tải - một trong những đơn vị Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý các điểm đỗ xe cũng không đưa ra được câu trả lời thật thỏa đáng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó GĐ Công ty khai thác điểm đỗ Hà Nội nói: “Hà Nội có hơn 1000 điểm đỗ xe, trong đó chỉ có khoảng 300 điểm được cấp phép, còn lại là tự phát. Công ty chúng tôi cũng chỉ quản lý 150 điểm, còn lại là thuộc quyền quản lý của quận, phường và các DN đấu thầu người ta quản lý. Chính sự chồng chéo này dẫn đến tình trạng mỗi nơi quản lý một kiểu, mỗi nơi một phí”.

Nói như vậy thì hiện có tới 3 thành phần tham gia quản lý và khai thác các điểm gửi xe. Đó là Sở GTVT Hà Nội, UBND quận và các đơn vị tư nhân tham gia kinh doanh điểm đỗ xe theo chủ trương xã hội hoá. Nhiều đơn vị cùng quản lý. Thế nhưng tình trạng thu phí cao, không xuất vé vẫn cứ xảy ra.

TS.Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng: “Kinh doanh trông xe là siêu lợi nhuận, vì lợi nhuận nên ai cũng muốn quản lý một chút. Nhưng nếu hỏi ai là người chịu trách nhiệm nếu có vấn đề xảy ra thì lại chẳng biết là ai, nhiều đơn vị quản lý nhưng thực ra lại không có ai chịu trách nhiệm”.

Một loại hình kinh doanh trông giữ xe tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đang nảy sinh quá nhiều vấn đề. Từ việc thu phí cao, không xuất vé, đến vấn đề chẳng biết ai chịu trách nhiệm. Thế nên mới có chuyện, có nơi thu phí gửi xe nhưng lại không chịu trách nhiệm với khách, nếu bị mất trộm xe. Hệ quả của câu chuyện quản lý thiếu chặt chẽ là lợi nhuận mà các bãi gửi xe thu được không biết đang rơi vào túi ai, còn rủi ro thì người tiêu dùng gánh chịu.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước