Đối với nhiều cán bộ hưu trí thuộc Cụm dân cư số 1 phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội), họ đã có gần 20 lần tham gia bầu cử, cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử HĐND. Họ nhận thấy, trong quá trình tổ chức bầu cử hai lần khác biệt đã bộc lộ không ít hạn chế.
Bà Mai Thị Toàn, phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) nói: “Việc bầu cử 2 lần tốn kém, thứ hai là mất rất nhiều thời gian, tôi tham gia công tác ở tổ dân phố tất nhiên là phải đầu tư thời gian để thúc giục bà con đi bầu làm sao cho đúng giờ nhất, nhanh gọn và có hiệu quả, người dân nếu không đi bầu cử thì sẽ mất quyền công dân…”
Việc tổ chức không hợp lý, mất nhiều thời gian đã khiến không ít công dân vi phạm qui chế bầu cử trong quá trình thực hiện quyền bầu cử của mình.
Ông Bùi Minh Tâm, phường Phúc xá, quận Ba Đình (Hà Nội): “Người ta ngại, thậm chí có trường hợp còn gửi nhau, còn nhờ nhau bỏ phiếu hộ. Tôi đã làm công tác bầu cử nhiều lần, tôi thấy rồi… Chúng tôi cũng biết, 1 người, bỏ cả cho gia đình”.
Nhiều ý kiến cho rằng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành hai lần không chỉ tốn kém thời gian của công dân, mà tốn kém cả thời gian, công sức, tiền bạc của nhiều lực lượng, cơ quan nhà nước khác cho những công việc gần như giống hệt nhau, từ quá trình tổ chức các hội nghị hiệp thương đến công tác tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, công tác thông tin tuyên truyền, trang trí điểm bầu cử, đảm bảo an ninh... Vì vậy, bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân vào một thời điểm là rất hợp lý.