Biến tướng tệ nạn cờ bạc tại lễ hội làng quê

Nguyễn Sơn-Chủ nhật, ngày 29/01/2012 17:00 GMT+7

Ở nhiều địa phương, các trò chơi trong lễ hội bị biến tướng thành các trò đỏ đen làm xấu đi nét đẹp truyền thống.

Theo thông lệ, sau dịp Tết nguyên đán, các lễ hội bắt đầu vào mùa. Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, các lễ hội truyền thống cổ xưa, đặc biệt là các lễ hội làng quê, cũng dần được khôi phục và khởi sắc. Đó là một tín hiệu tốt lành đối với người dân, chứng tỏ đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang ngày một phong phú. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, những lễ hội là dịp bùng phát các trò chơi đỏ đen, sát phạt, làm xấu đi nét đẹp truyền thống vốn có.


Tại nhiều lễ hội, với những trò chơi như đá gà, rước pháo... thu hút được đông đảo người tham gia, và ở đó cũng là nơi mọi người tập trung cá độ. Tham gia cá độ có đủ các lứa tuổi, từ trẻ em tới người già. Việc thanh toán tiền cho mỗi độ gà cũng rất nhanh, và được thanh toán công khai với số tiền đặt cược ít là 200 đến 500 nghìn đồng, nhiều là tiền triệu.


Ở nhiều lễ hội đầu xuân, phần lớn các trò chơi dân gian đang dần thay thế các trò cờ bạc đỏ đen, sát phạt đầy phản cảm của một vài năm trước. Tuy nhiên, hình thức cờ bạc núp bóng các trò chơi dân gian vẫn còn tồn tại nhiều. Điều này cũng cho thấy các nhà tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu để loại bỏ những hình thức phản cảm, và dần lấy lại những nét đẹp tinh hoa cổ truyền của lễ hội làng quê Việt Nam.


Chia sẻ về điều này, ông Dương Thế Vinh, BTC Lễ hội Làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết: Nhiều năm trước đây, các trò chơi dân gian ít, vì thế dẫn đến việc nhiều người tìm tới xới bạc đỏ đen. Năm nay, nhờ sự tham gia tích cực của các câu lạc bộ thể thao, văn hóa… nên chương trình Lễ hội phong phú hơn, lôi kéo rất nhiều người tham gia. Các môn chơi thể thao và nhiều trò chơi dân gian được khôi phục đã đẩy lùi các trò cờ bạc, đỏ đen, sát phạt phản cảm và các tệ nạn khác trong lễ hội.


Thú vui tao nhã với tinh thần thượng võ bị biến tướng thành trò đỏ đen, sát phạt cho thấy Lễ hội làng quê còn thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích và đời sống tinh thần còn nghèo nàn trong một bộ phận người dân. Việc nghiên cứu sâu sắc hơn về khía cạnh văn hoá - xã hội là cần thiết để từng bước hạn chế tệ nạn này tại các lễ hội đầu xuân ở làng quê Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước