Dự thảo Luật giá của Bộ Tài chính đưa ra quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định: Phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân theo quy định của Luật Điện lực.
Bộ Công thương lập luận, giá bán điện bình quân chỉ phù hợp với giai đoạn hiện tại, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang là đơn vị mua duy nhất và là đơn vị bán lẻ duy nhất. Dự thảo Luật Giá phải tính đến việc chỉ còn 8 năm nữa, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ hoạt động. Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị loại giá bán lẻ điện ra khỏi diện định giá.
Sau nhiều lần tranh luận gay gắt, cuối cùng hai Bộ đã thống nhất phương án: Nhà nước sẽ chỉ kiểm soát giá đối với khung giá phát điện, giá bán buôn điện nhằm đảm bảo cho các DN tham gia được cạnh tranh trong khung giá quy định.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng cục Quản lý giá, bộ Tài chính cho rằng: “Đối với giá bán lẻ, theo cấp độ đến 2024 sẽ tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nên Nhà nước rất cần thiết phải quy định giá bán lẻ ở mức độ phù hợp. Thủ tướng CP sẽ quyết định khung mức giá bán lẻ điện, trên tinh thần đó để các DN quyết định mức cụ thể. Thủ tướng quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trên cơ sở đó, từ giá điện bình quân tính ra mức giá điện cụ thể cho các đối tượng tiêu dùng”.
Trong lộ trình phát triển, thị trường điện Việt Nam sẽ đi qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đại diện bộ Tài chính cho biết, tùy vào từng loại hình kinh doanh trong ngành điện thì có giá cho phù hợp, cách tính giá bán lẻ điện này vừa bảo đảm Nhà nước kiểm soát được giá, vừa đảm bảo DN vẫn được cạnh tranh lành mạnh nhưng không thể tính toán giá bất hợp lý để vượt khung mà nhà nước đã kiểm soát.
Đây là cách phù hợp với thông lệ quốc tế và quản lý các mặt hàng độc quyền tiến dần tới thị trường cạnh tranh.
Dự thảo Luật Giá sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng chính phủ xem xét trong tuần tới.