Sáng 7/1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp giải trình về “Thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm” với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Phiên giải trình nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội và nằm trong nỗ lực giảm thiểu buôn lậu, gian lận thương mại trong bối cảnh Tết Âm lịch đang đến gần, tình hình buôn lậu đang có chiều hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong 3 năm, từ 2010 đến tháng 9/2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 800.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thưc phẩm, trong đó riêng lực lượng quản lý thị trường phát hiện gần 300.000 vụ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hoạt động sắp tới của lực lượng này có thể sẽ gặp khó khăn, do từ đầu tháng 7 tới Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thị trường sẽ phải nộp về ngân sách Nhà nước, các lực lượng không được trích phần trăm để lại như hiện nay.
“Xin được kiến nghị cho phép các lực lượng chức năng thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được tiếp tục trích sử dụng một phần tiền phạt vi phạm hành chính phục vụ công tác của mình", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Tuy nhiên, khi đánh giá về tình hình này, một số đại biểu Quốc hội, sau khi đưa một số ví dụ điển hình về các vụ buôn lậu diễn ra công khai gần đây đã đặt câu hỏi: Liệu có tình trạng tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu hay không?
“Chúng tôi xin báo cáo các đại biểu Quốc hội, chắc chắn là không thể không có hiện tượng tiêu cực trong lực lượng chức năng. Tuy nhiên, đó chỉ là số lượng nhỏ…”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận.
Cũng tại phiên giải trình sáng 7/1, trước đề nghị của Bộ trưởng Công Thương về việc tăng biên chế, cơ sở vật chất cho lực lượng quản lý thị trường hiện ở mức 52.00 người và mới có 70% đơn vị quản lý thị trường có trụ sở làm việc ổn định, một số thành viên Ủy ban kinh tế Quốc hội đặt vấn đề: Liệu công tác đấu tranh chống buôn lậu có đạt kết quả tốt hơn nếu lực lượng này được tăng cường về biên chế, cơ sở vật chất.
Phát biểu kết thúc buổi giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các vấn đề giải trình ngày 7/1 sẽ được cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, báo cáo lên Ủy ban thường vụ Quốc hội để có các giải pháp phù hợp hơn nhằm chống buôn lậu có hiệu quả bảo vệ tốt hơn sản xuất trong nước; tạo việc làm cho xã hội cũng như bảo vệ sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm cho chúng ta và cho thế hệ mai sau.
Quý vị có thể theo dõi nội dung chi tiết về các vấn đề trên qua VIDEO dưới đây: