Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Không phát triển thủy điện bằng mọi giá"

P.V-Thứ ba, ngày 15/11/2016 10:20 GMT+7

VTV.vn - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, tiềm năng thủy điện trên cả nước hiện nay về cơ bản đã được khai thác hết. Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 336 dự án thủy điện. Căn cứ theo chỉ đạo của Quốc hội trong Nghị quyết 62, các thủy điện vừa và nhỏ đã được xem xét, đánh giá lại để quy hoạch những dự án không đảm bảo, gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.

Trả lời câu hỏi của bà Trần Thị Dung - đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện và đập thủy điện được phân bổ cho nhiều bộ ngành, trong đó, Bộ Công Thương là đơn vị quản lý nhà nước nắm vai trò chủ đạo về lĩnh vực năng lượng và thủy điện. Ngoài ra, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tham gia quản lý trong các khía cạnh khác.

Để đảm bảo vấn đề an toàn khi xả lũ và trong mùa mưa lũ của các dự án thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng có 3 yếu tố bắt buộc:

- Phương án về phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn tại địa phương: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có phương án được duyệt tại địa phương với sự tham gia của các chủ đập, chủ thủy điện trong phương án.

- Quy trình xả lũ: Nghị định của Chính phủ quy định rõ ràng về việc đập thủy điện có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên và công suất từ 30 MW trở lên do Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt quy trình xả lũ. Đối với những đập thủy điện dưới quy mô này, quy trình xả lũ do lãnh đạo của địa phương thẩm định và phê duyệt.

- Các chủ đập thủy điện là các doanh nghiệp đều phải tham gia cùng địa phương xây dựng các phương án phòng chống lũ ở hạ lưu và đảm bảo an toàn cho hạ lưu khi xả lũ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cần có đủ 3 yếu tố này thì các đập thủy điện và các chủ dự án mới được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Bộ trưởng khẳng định cả Hố Hô, An Khê - Kanak và các đập thủy điện khác đều phải đảm bảo những nguyên tắc, đáp ứng được những yêu cầu, quy định pháp lý của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thủy điện và an toàn về xả lũ mới được cấp phép hoạt động điện lực.

Quy trình đúng nhưng thiệt hại vẫn xảy ra

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết có một thực tế tồn tại trong thời gian qua là các đập thủy điện thường xuyên gây ra sự bức xúc trong nhân dân, trong dư luận xã hội khi tiến hành xả lũ. Qua quá trình kiểm tra, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra ngay khi có lũ về hoặc có nhu cầu xả lũ và đã ghi nhận một số vấn đề như sau:

- Quy trình đã có nhưng việc chấp hành, thực hiện quy trình nhiều khi còn máy móc, nguyên tắc quá mức. Điều này dẫn tới việc phối hợp chưa tốt giữa chủ đập thủy điện và chính quyền địa phương, đặc biệt là trong các phương án phòng chống lụt bão đã được phê duyệt.

- Đã có những phương án phòng chống lụt bão và xả lũ, tuy nhiên, việc tổ chức diễn tập, thực hiện theo quy định của pháp lý không được thực hiện tại các địa phương dẫn tới tình trạng việc tổ chức thực hiện phòng chống lụt bão và xả lũ trên thực tế không hiệu quả khi có sự cố xảy ra. Sự chủ động giữa các chủ đập, các dự án nhà máy với chính quyền địa phương không được đảm bảo.

- Việc theo dõi, dự báo thời tiết và hệ thống quan trắc của các thủy điện không đảm bảo, chưa có sự đầu tư và vận hành tốt để phục vụ cho các chủ đập, các doanh nghiệp thủy điện và địa phương trong việc theo dõi, chủ động trong phòng chống lụt bão và phối hợp xả lũ.

Để khắc phục những vấn đề này, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra các giải pháp: 

- Tổng kiểm tra, đánh giá lại, rà soát lại toàn bộ chất lượng của các quy trình xả lũ, các phương án tham gia phối hợp về phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn ở hạ du căn cứ theo các quy định của Nhà nước.

- Đánh giá, kiểm tra lại chất lượng của các hoạt động phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn của thủy điện khi xả lũ tại các địa phương, xem xét để tổ chức tập huấn và làm rõ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia, bao gồm cả chính quyền địa phương các cấp, chủ đập, chủ doanh nghiệp tại địa phương, thực hiện nghiêm theo các chế tài, các quy định. Các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ theo quy định và có sự vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, thậm chí bị cấm không cho tham gia hoạt động điện lực và bị rút phép của các dự án.

- Phân định, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là của chính quyền địa phương các cấp khu vực hạ du, trong việc chủ động xây dựng các phương án phòng chống lụt bão để có sự tham gia của các doanh nghiệp, các chủ đập và các đối tác khác nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn cho đời sống sinh hoạt, kinh tế, xã hội của nhân dân.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước