Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình về hoạt động công chứng, chứng thực

Thái Thanh-Thứ năm, ngày 05/09/2013 21:56 GMT+7

 Sáng nay (5/9), Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về hoạt động công chứng, chứng thực, thực trạng và giải pháp.

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày bản báo cáo về công tác này trong thời gian từ năm 2007 khi Luật Công chứng có hiệu lực đến nay và trả lời các câu hỏi của các thành viên Ủy ban pháp luật tham gia phiên giải trình.

‘ Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Lao động

Báo cáo đã làm rõ 6 vấn đề trong hoạt động công chứng, chứng thực hiện nay như vai trò của quản lý nhà nước; phát triển đội ngũ công chứng viên; quy hoạch tổng thể phát triển công chứng.

Theo đó, năm 2007, trước khi Luật Công chứng có hiệu lực cả nước từ chỗ có 84 văn phòng công chứng của Nhà nước nay đã tăng lên 724 văn phòng công chứng với số lượng công chứng viên hơn 1.300 người, trong đó 100% công chứng viên được bổ nhiệm đều có trình độ cử nhân luật. Hoạt động công chứng được đánh giá là đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đóng góp quan trọng vào hoạt động cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận hoạt động công chứng vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân do Luật Công chứng có nhiều điểm không còn phù hợp.

Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu: “Việc xã hội hóa hoạt động công chứng được thực hiện từ giữa năm 2007 còn là vấn đề mới, trong khi đó cơ sở vật chất tổ chức bộ máy và con người chưa được củng cố kiện toàn, năng lực tự quản còn hạn chế chưa theo kịp nhu cầu mới của công tác quản lý. Khi xã hội hóa, văn phòng công chứng thành lập ra quản lý chưa theo kịp; Luật Công chứng vẫn còn những qui chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ hành nghề quốc tế; tiêu chuẩn công chứng viên theo qui định của luật còn đơn giản dễ dãi;…”

Lãnh đạo TP Hà Nội với 103 tổ chức hành nghề công chứng được thành lập theo phương thức xã hội hóa cũng thừa nhận bên cạnh những thành tựu, còn có nhiều bất cập cần phải được giải quyết.

“Số lượng tổ chức hành nghề công chứng tuy đã phủ khắp các quận huyện, nhưng chất lượng và tính chuyên nghiệp chưa cao. Mặt khác, còn có hiện tượng một số tổ chức hành nghề công chứng do quá chú trọng việc thu hút khách hàng nên đơn giản trong trình tự thủ tục công chứng, dễ sa vào vi phạm”, ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Cũng trong buổi giải trình sáng 5/9, Bộ trưởng Tư pháp đã trả lời một số câu hỏi của thành viên Ủy ban pháp luật.

“Quy hoạch đã có rồi nhưng cơ sở nào để khẳng định rằng việc phát triển các cơ sở công chứng một cách vững chắc, tôi nghĩ rằng điều này chưa thật sự rõ ở trong trong báo cáo của Bộ Tư pháp”, ông Nguyễn Sỹ - Cương, ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội thẳng thắn bày tỏ.

“Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị Định 04 theo hướng để sắp xếp lại, có thể theo hướng sát nhập với nhau…”, ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.

Sau phiên giải trình hôm nay, Ủy ban pháp luật Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật công chứng sửa đổi và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vào tháng 10 tới.

Mời quí vị theo dõi VIDEO nội dung chi tiết dưới đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước