Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, đến thời điểm này, hạn hán đã khiến gần 4.000 ha cây trồng các loại của tỉnh bị khô hạn. Trong đó, có gần 1.500 ha lúa Đông Xuân, trên 2.000 ha cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu... Ước thiệt hại trong đợt hạn hán này gần 160 tỉ đồng.
Ngoài thiệt hại về cây trồng, hạn hán cũng làm cạn kiện nước các đập đầu mối của 41 công trình nước sinh hoạt. Trên 7.600 giếng nước sinh hoạt của bà con bị khô hạn, khiến gần 10.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt hàng ngày. Trước tình hình đó, địa phương đã có những giải pháp hỗ trợ người dân.
"Huyện đã xuất ngân sách 2,1 tỉ đồng mua 85 bồn đựng nước đặt tại các thôn, làng thiếu nước để cấp nước cho dân; huy động 5 xe chở nước và tổ chức nạo vét các giếng khô hạn và đầu tư 3 công trình cấp nước tại chỗ" - ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cho biết.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đánh giá cao công tác chống hạn của tỉnh Kon Tum: "Các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Kon Tum, trong đó có huyện Sa Thầy đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tổ chức vận chuyển cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Các đồng chí thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không để người dân nào trong vùng hạn thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, không để bệnh dịch bùng phát".
Bộ trưởng lưu ý tỉnh phải rà soát cơ cấu sản xuất từng vùng cho cho từng loại cây trồng phù hợp nguồn nước, chú trọng thúc đẩy phát triển chăn nuôi; quy hoạch và huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, đồng thời chỉ đạo các giải pháp cứu trợ kịp thời cho người dân vùng hạn, không để xảy ra tình trạng nhân dân bị đói do thiếu lương thực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!