PV Lê Bình: Liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước, điển hình là việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines. Khi được giải thích về quy trình đúng, thực hiện đúng thì người dân cũng đồng tình, nhưng băn khoăn lớn nhất của người dân là trách nhiệm của những ai? Tại sao quy trình đúng mà vẫn để lọt một tội phạm như vậy, lên một chức vụ như vậy, thưa Bộ trưởng.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đây là vấn đề vừa qua rất nhiều người hỏi tôi. Tôi rất cảm ơn nhà báo cũng như nhiều người dân đã hiểu. Chính phủ làm gì cũng căn cứ vào luật pháp. Chính phủ là cơ quan hành chính, căn cứ vào đúng quy trình và thủ tục. Quy trình đúng thì mình phải bảo là đúng. Thủ tục đúng thì mình phải bảo là đúng. Cũng giống như một dây chuyền sản xuất, nếu có tai nạn đầu tiên chúng ta phải xem anh vận hành có đúng quy trình không? Nếu đúng quy trình rồi thì phải tìm nguyên nhân sâu sa.
Cán bộ là cốt lõi của các vấn đề. Đảng và Nhà nước ta có chính sách cán bộ cũng như tất cả các quy định rất chặt chẽ để bổ nhiệm cán bộ, từ đánh giá thế nào? Quy hoạch ra sao? Đào tạo thế nào? Bổ nhiệm rồi đãi ngộ thế nào rất chặt chẽ. Với những cán bộ như Chủ tịch hội đồng quản trị, cấp thứ trưởng hay lãnh đạo Đài THVN phải lấy nhận xét từ nơi làm việc cho đến lấy ý kiến ở nơi cư trú và thời gian mất khoảng 6 tháng.
Nhưng vấn đề ở đây, đúng như nhà báo và nhân dân nói: Tại sao làm quy trình chặt chẽ như thế mà vẫn để lọt? Đây là vấn đề con người. Chúng ta cũng biết là những con người - nhất là những người giữ đến chức vụ nhất định thì thường rất hiểu biết. Không chỉ ở Việt Nam, trong lịch sử từ trước đến nay cũng có những cán bộ trung, cao cấp như vậy nhưng họ che dấu; hoặc cũng có nguyên nhân nữa là công tác đấu tranh phê bình và tự phê bình từ cấp cơ sở lên chưa làm được tốt. Cho đến khi họ được tuyên dương, được bổ nhiệm thì vẫn là một chân dung rất tốt đẹp. Đùng một cái họ bị phát hiện, họ thành tội phạm thì chúng ta mới giật mình.
Tôi cho rằng để đánh giá con người là vấn đề rất quan trọng và rất khó. Chỉ có một cách là trước hết quy trình thủ tục phải chặt chẽ. Thứ hai là chúng ta phải tăng cường phê bình và tự phê bình trong các tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội từ công đoàn cho đến các cơ quan chuyên môn. Chúng ta phải tăng cường sự giám sát của người dân, sớm phát hiện ra những phần tử tiêu cực, thoái hóa biến chất để loại khỏi bộ máy.
Có thể nói, khó có thể tìm được một quy trình trên thế giới mà hoàn thiện hết. Chính vì vậy mọi quy trình đều phải thường xuyên được rà soát và cần thiết phải sửa đổi bổ sung. Tôi cũng chia sẻ là sau vụ việc Dương Chí Dũng, Chính phủ và các cơ quan liên quan của Đảng cũng đang xem xét, chúng tôi đã đề nghị cần bổ sung một số quy định trong quy trình cán bộ. Ví dụ như quy định khi bổ nhiệm cán bộ thì phải xem đơn vị của mình có đang thanh tra, kiểm tra hay không? Nếu có thì việc trao đổi với cơ quan kiểm tra, thanh tra, dù chưa có kết luận chính thức là thủ tục bắt buộc.
Tôi lấy ví dụ như vậy, nhưng về cơ bản phải nói rằng quan trọng nhất của công tác con người là chúng ta phải có đánh giá, giám sát rất kỹ từ các cấp, đặc biệt phải có cơ chế để nhân dân tham gia, biết cán bộ, đánh giá cán bộ và phát hiện những sai phạm của cán bộ từ rất sớm. Tôi nghĩ nhà báo cũng biết không phải từ trước đến nay không có những trường hợp cán bộ như vậy.
PV Lê Bình: Vâng đúng thế. Cách đây hơn 60 năm, Hồ Chủ tịch - vị lãnh tụ đáng kính của chúng ta cũng đã giao cho tướng Trần Tử Bình để xử vụ án tham nhũng Trần Dụ Châu. Kết cục là đại tá nguyên Cục trưởng Quân nhu Trần Dụ Châu đã phải lãnh án tử hình. Mới đây là trường hợp nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ủy viên TW Đảng Trần Mai Hạnh rồi nguyên Viện phó Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao Phạm Sỹ Chiến trong vụ Năm Cam, rồi cái vụ cả nguyên Thứ trưởng Mai Văn Dâu hồi đó là là Thứ trưởng của Bộ Thương mại, tôi cũng thấy kẻ xấu leo lên chức vụ cao để mà tham nhũng, thực hiện các hành vi phạm tội là có thật. Coi như vấn đề nhân sự đã được giải đáp rồi. Tôi đồng tình với Bộ trưởng là không có quy trình nào có thể tuyệt đối kiểm soát được hết tội phạm. Nhưng vấn đề lỗ của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn khiến cho nhiều người dân quan tâm. Tại sao doanh nghiệp Nhà nước lại lỗ nhiều đến như vậy, điển hình như Vinalines, Vinashin toàn nỗ đến cả trăm, ngàn tỷ.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đây là vấn đề báo giới và nhân dân rất quan tâm. Bạn đã nói đến Vinalines, Vinashin thì tôi phải nói thế này: Vinalines những năm trước là lãi, chỉ bắt đầu năm nay là lỗ.
Lý do chính khiến Vinalines lỗ là kinh tế thế giới rất khó khăn. Vinalines vận chuyện quốc tế là chính mà giá cước lại xuống một cách không thể dự liệu được. Có nhiều mặt hàng xuống đến 90% (trước đây 100 đồng giờ chỉ còn 10 đồng), đại đa phần giảm hơn một nửa. Tức là trước đây nếu vận chuyển 1 tấn hàng được 100 đồng bây giờ được dưới 50 đồng. Đây là nguyên nhân chính của việc Vinalines bị lỗ.
Đối với Vinashin, có thể nói ngành đóng tàu rất quan trọng vì Việt Nam là một quốc gia biển. Những sai phạm của Vinashin, công luận, trong Đảng và trong Chính phủ đã nói kỹ. Những ai vi phạm đã phải chịu hình phạt của pháp luật, hậu quả còn lại là rất lớn, hiện nay để vực Vinashin lên vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Nhưng nói đến Vinashin mà chỉ nói đến những điều như vậy thì không công bằng với những người làm trong ngành đóng tàu. Cứ hình dung cách đây 10-15 năm, chúng ta mơ ước không đóng được con tàu 3 ngàn tấn. Bây giờ, những con tàu ta đóng được cao bằng tòa nhà 10 tầng, mấy trăm nghìn tấn.
Tôi có vinh dự được đến thăm một số nhà máy đóng tàu, đã chứng kiến những người từng là kỹ sư, quản lý ở đó rơi nước mắt khi xem hạ thủy những con tàu khổng lồ, không thể tưởng tượng ngành đóng tàu Việt Nam lại có bước phát triển vượt bậc như vậy. Từ chỗ gần như không có tên tuổi, Việt Nam giờ nằm trong khoảng 10 nước có năng lực đóng tàu tốt trên thế giới, với một đội ngũ mấy chục nghìn công nhân lành nghề. Các xưởng của ta còn đóng được cả tàu mang pháo, tên lửa, có trực thăng đậu… Đó là điều đáng tự hào, chúng ta phải biết ơn những người đã đóng góp cho ngành đóng tàu Việt Nam, những công dân kỹ sư rất tâm huyết và đầy trí tuệ…
Chủ trương của Đảng và nhà nước trước đây và sau này đều tập trung phát triển ngành đóng tàu, khắc phục những hậu quả, sai sót để giữ được một thế mạnh không chỉ về kinh tế, kỹ thuật mà với Việt Nam là một quốc gia biển trong bối cảnh quốc tế hiện nay là vô cùng quan trọng.
PV Lê Bình: Như vậy rõ ràng là ngành đóng tàu của chúng ta đã có bước tiến vượt bậc. Xin hỏi thêm Bộ trưởng ngoài cái lí do khách quan việc Vinalines lỗ như Bộ trưởng vừa phân tích có nguyên nhân từ hậu quả của vụ Dương Chí Dũng không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Vụ việc Dương Chí Dũng xảy ra năm 2007, khi đó Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có nhu cầu đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam. Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan theo quy định phải trình lên Thủ tướng xin bổ sung nhà máy này vào quy hoạch. Một Phó Thủ tướng được phân công, trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, đã đồng ý chủ trương cho Vinalines lập dự án đầu tư nhà máy đó.
Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành các thủ tục đó, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines đã tự ý mua các ụ nổi, một thành phần của nhà máy, về sửa chữa. Trong quá trình thanh tra đã phát hiện việc sửa chữa này có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngay khi nhận được báo cáo thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan điều tra mở rộng điều tra.
Khi cơ quan điều tra báo cáo là lãnh đạo của Tổng công ty, cụ thể là ông Dương Chí Dũng, có dấu hiệu vi phạm, Thủ tướng đã chỉ đạo khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng. Tất cả những việc này được làm với thái độ rất cương quyết, đúng trình tự tố tụng.
PV Lê Bình: Thưa Bộ trưởng, sau hơn 1 năm Chính phủ mới đi vào hoạt động thì điểm được nhất của Chính phủ là gì ạ?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Điều này sau khi tôi nói tôi cũng rất muốn nghe ý kiến của nhà báo, chắc là từ nhà báo cũng là ý kiến của nhân dân.
Chính phủ, nếu nói là được tôi không biết từ đó có chính xác không. Nhưng tôi thấy nhiệm kỳ vừa qua có mấy điểm Chính phủ đã cố gắng hơn. Chính phủ xem xét các vấn đề cả kinh tế và xã hội một cách dài hơi với lộ trình tương đối khoa học. Ví dụ về lạm phát, ngay từ đầu Chính phủ đã phân tích rất kỹ và sâu, lấy ý kiến của các nhà khoa học… từ đó đề ra một lộ trình và quyết tâm thực hiện. Chính phủ xem xét vấn đề một cách dài hơi, thận trọng và điều hành một cách mềm dẻo. Tôi rất muốn nghe ý kiến của nhà báo thế nào?
PV Lê Bình: Cá nhân tôi thì tôi thấy cái điểm nối bật là Chính phủ ngày càng minh bạc hơn, cởi mở hơn. Bằng chứng là trong nhiệm kỳ này các Bộ trưởng trả lời dân rất nhiều. Các cuộc đối thoại trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử Chính phủ được tổ chức liên tục. Bản thân chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời cũng vậy” - là bằng chứng cho thấy những câu hỏi của người dân sẽ được các Bộ trưởng trực tiếp trả lời. Đó là điều cho thấy sự minh bạch của Chính phủ.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chúng tôi rất mong là các cơ quan thông tin đại chúng là cầu nối hữu hiệu để nhân dân đóng góp vào những hoạt động của Chính phủ, nhất là trong việc xây dựng chính sách.
PV Lê Bình: Vâng, cá nhân tôi thực sự bị thuyết phục bởi phần trả lời của Bộ trưởng và tôi cũng tin rằng hàng triệu người dân cả nước xem chương trình này cũng sẽ đồng tình với tôi. Xin cảm ơn Bộ trưởng về những câu trả lời.
Tin bài liên quan:
Bộ trưởng Vũ Đức Đam đối thoại các vấn đề nóng (P.1)