Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung 2 mô hình quản lý nhà chung cư

P.L-Thứ ba, ngày 04/06/2019 19:14 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh mô hình quản lý nhà chung cư do Ban quản trị thực hiện, Bộ Xây dựng đề xuất thêm hai mô hình khác là chủ đầu tư tự quản lý và các đơn vị chuyên nghiệp quản lý.

Chiều nay (4/6), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã đăng đàn trả lời trước Quốc hội về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch, cùng với đó là công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.

Đối với câu hỏi của đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) về các vấn đề quản lý nhà chung cư còn vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 4.422 chung cư và trong thời gian qua, công tác quản lý, vận hành chung cư về cơ bản đã đáp ứng đủ các quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư thực hiện tốt, vẫn còn một số tranh chấp, cụ thể là có 458 nhà chung cư còn tranh chấp, chiếm khoảng 10% tổng số chung cư trên cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các tranh chấp tại những chung cư này liên quan chủ yếu đến những vấn đề sau: chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị nhà chung cư; đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí vận hành; xác định sở hữu chung - riêng; thu, chi tài chính, quy chế của Ban quản trị; dịch vụ nhà chung cư; không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà, tài sản khác gắn liền với đất; chất lượng công trình…

Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung 2 mô hình quản lý nhà chung cư - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội

Về nguyên nhân dẫn tới những tranh chấp này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, do một số quy định về pháp luật chưa đầy đủ; quy định về hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chưa đầy đủ, chế tài vi phạm chưa kịp thời; chưa có quy định về kinh phí bảo trì, sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng đối với các tòa nhà xây dựng trong những giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác góp phần gây ra những tranh chấp về nhà chung cư được Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra, bao gồm: một số chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính để thực hiện dự án, chú trọng đến lợi nhuận thu được từ bán căn hộ, chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng của mình nên không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì, trì hoãn bàn giao khoản kinh phí này cho Ban quản trị; một số trường hợp người dân khi mua nhà đã không xem xét kỹ các thỏa thuận trong hợp đồng, trong khi đó, chủ đầu tư thường đưa ra những điều khoản có lợi cho mình và gây bất lợi cho người mua nhà trong hợp đồng; một số thành viên tại các Ban quản trị còn ít kinh nghiệm về chuyên môn, chưa có kinh nghiệm trong quản lý nhà chung cư; vai trò quản lý của Nhà nước, của một số cơ quan xây dựng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ việc tuyên truyền, kiểm soát vi phạm trong quản lý chung cư…

Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương sửa đổi một số vấn đề về thu kinh phí bảo trì, tổ chức Hội nghị nhà chung cư, phương thức quản lý, sử dụng nhà chung cư và tư cách pháp nhân của Ban quản trị nhà chung cư.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, một số tranh chấp liên quan đến nhà chung cư và hạn chế trong quản lý nhà chung cư hiện nay có liên quan đến mô hình quản lý nhà chung cư. Theo luật quy định, hiện đang có một mô hình là Ban quản trị nhà chung cư. Bộ Xây dựng đề xuất trong thời gian tới bổ sung 2 mô hình khác gồm mô hình chủ đầu tư tự quản lý, vận hành nhà chung cư, tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì của nhà chung cư và mô hình giao cho các đơn vị chuyên nghiệp quản lý, vận hành nhà chung cư.

Việc có thêm hai mô hình quản lý nhà chung cư sẽ giúp đa dạng, linh hoạt hơn trong việc quản lý, vận hành nhà chung cư. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng nhấn mạnh, có hai yếu tố quyết định việc sử dụng các mô hình này. Thứ nhất, chọn mô hình nào là do cộng đồng dân cư tại nhà chung cư đó tự quyết định. Thứ hai, mặc dù chủ đầu tư hay đơn vị chuyên nghiệp thực hiện thì đều phải có giám sát của cộng đồng thông qua Ban quản trị của nhà chung cư đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước