Bức tranh giao thông vận tải năm 2019

Trần Hiền, Đức Chung (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ bảy, ngày 18/01/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Giao thông vận tải năm 2019 có 2 mảng màu sáng tối. Mảng màu sáng cho việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, còn thị trường vận tải, BOT lại là màu tối.

* Áp lực hạ tầng tại sân bay Tân Sơn Nhất

Vào những ngày cuối năm âm lịch, thời gian cao điểm của nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hàng dài máy bay đang xếp hàng chờ để được cất cánh, toàn bộ khu vực nhà ga, các tuyến đường nội bộ đều đông nghẹt. Áp lực hạ tầng dồn lên sân bay lớn nhất cả nước này đang ngày càng nghiêm trọng.

Đến hẹn lại lên, năm nào thì tình trạng này cũng lặp đi lặp lại và ngày càng nghiêm trọng khi mà mỗi năm, lĩnh vực hàng không đều tăng trưởng từ 15-17%.

Các cơ quan chức năng cũng đã có kế hoạch xây thêm đường băng và nhà ga T3, đây đều là những hạng mục cấp bách để cứu cánh cho Tân Sơn Nhất nhưng vì còn vướng mắc về cơ chế chính sách nên đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Tuy nhiên, về lâu dài, một sân bay mới cần được đầu tư xây dựng để giảm áp lực cho nơi này. Đó là sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.

* Phương án chuẩn bị xây dựng sân bay Long Thành

Năm 2019 cũng là năm được xem đã có dấu mốc quan trọng cho việc triển khai dự án. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn đầu tiên có công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ toàn quyền lựa chọn nhà đầu tư cho sân bay Long Thành.

2019 là năm cao điểm của công tác giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành. Việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cũng góp phần đảm bảo mục tiêu khởi công dự án vào Quý I/2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những thách thức của công việc này.

Đến nay, theo đại diện Trung tâm quỹ đất huyện Long Thành, có khoảng trên 1.000 thửa đất chưa liên hệ được chủ đất. Theo kế hoạch, diện tích thu hồi đất phục vụ cho dự án sân bay là 5.000 ha, trong đó, có gần 3.000 ha là đất của hộ dân. Việc khó khăn xác định chủ đất phần lớn là do tình trạng chuyển nhượng đất đai bằng giấy tay thời gian qua khiến thông tin chủ đất bị sai. Nếu trong trường hợp không có chủ, để đảm bảo tiến độ giải ngân, tỉnh sẽ thực hiện kiểm kê không chủ.

Là đơn vị từng được Bộ GTVT đề xuất làm nhà đầu tư sân bay Long Thành, đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV cho biết, nếu được Thủ tướng giao đầu tư dự án, đơn vị này sẽ có ngay phương án thu xếp vốn để triển khai giai đoạn 1 với số vốn khoảng 4,8 tỷ USD, trong tổng mức đầu tư 16 tỷ USD cho toàn dự án.

Cũng theo đại diện ACV, nếu công tác giải phóng mặt bằng được tỉnh Đồng Nai hoàn thành đúng kế hoạch và việc lựa chọn nhà đầu tư có kết quả trong Quý I/2020, dự án hoàn toàn khả thi khởi công vào đầu năm 2021.

* Những thách thức với cao tốc Bắc - Nam

Hủy đấu thầu quốc tế, dành cơ hội cho nhà đầu tư trong nước tham gia là quyết định quan trọng của Bộ GTVT trong năm 2019 cho dự án này.

Mặc dù đã mở thầu và nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển nhưng theo Bộ GTVT, do số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao. Vì thế, Bộ này đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế; điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần theo hình thức hợp tác công tư PPP của cao tốc Bắc Nam. Việc này được cho sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

Còn với 3 dự án thành phần đầu tư bằng vốn ngân sách mục tiêu là phải khởi công trong năm 2019, thế nhưng đến nay mới chỉ có 2 dự án được khởi công xây dựng

* Chưa thống nhất phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Ngoài hàng không, đường bộ, một dự án trọng điểm còn lại của ngành giao thông trong năm 2019 đã có những bước đầu tiên trong quá trình xây dựng phương án đầu tư là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Mặc dù mới chỉ là giai đoạn xây dựng báo cáo tiền khả thi nhưng cũng đã có những quan điểm khác nhau về phương án đầu tư dự án này.

32 tỷ USD là số vốn chênh nhau của 2 phương án giữa Bộ GTVT và Bộ KHĐT. Trong khi, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án chạy tàu tốc độ 350 km/h, có tổng vốn 58,7 tỷ USD thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, tổng vốn cho dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho tốc độ 200 km/h. Trước những con số chưa thống nhất giữa 2 Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ phải ngồi lại để tìm ra phương án đầu tư phù hợp cho dự án này tiếp tục trong năm 2020.

Như vậy, một loạt các dự án giao thông trọng điểm đang thực hiện dở dang trong năm 2019 sẽ là áp lực không hề nhỏ trong năm 2020 đối với Bộ GTVT. Tiến độ và hiệu quả công việc sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự quyết liệt của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bộ GTVT.

* Chậm triển khai thu phí không dừng

Nếu chỉ đề cập đến mảng đầu tư hạ tầng sẽ là chưa đủ cho năm 2019 mà cần phải nhắc tới vấn đề minh bạch trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, lại chưa thực hiện được. Năm 2019, 44 trạm BOT trên cả nước phải áp dụng thu phí không dừng để minh bạch thu phí. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 10 trạm chưa hoàn thành. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng cho rằng, việc triển khai hệ thống thu phí tự động hết sức chậm trễ, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra. Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để chậm tiến độ. Bộ GTVT phải khẩn trương đưa các thiết bị đã lắp đặt vào vận hành, không để lãng phí đầu tư, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho dự án ETC và báo cáo Thủ tướng trước ngày 31/3/2020.

Như vậy, bức tranh của lĩnh vực giao thông vận tải năm 2019 đã thấy rõ cả 2 mảng màu sáng tối. Mảng màu sáng thể hiện trong việc triển khai xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, có tổng mức đầu tư lên tới gần 80 tỷ USD. Đây được xem là khoảng thời gian có nhiều tín hiệu khả quan nhất của giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.

Còn thị trường vận tải và BOT đang khoác trên mình mảng màu tối sẽ là nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi ngành giao thông phải quyết liệt thực hiện trong năm 2020 này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước