Đoạn đê của xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã mất hoàn toàn rừng phòng hộ từ 5 năm nay. Trong thời gian này, gió biển thổi thẳng vào khu vực trồng lúa lớn nhất của tỉnh khiến ruộng bị nhiễm mặn. Nhiều khu ruộng giáp biển, người dân không còn thiết tha với cây lúa do liên tục mất mùa.
Là người đã nhiều năm quản lý tuyến đê trên, ông Bùi Văn Đông - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều, Chi cục Thủy lợi Cà Mau - cho biết dù đã dùng nhiều biện pháp để bảo vệ đê nhưng với tình trạng rừng phòng hộ trơ khấc vựa lúa của Cà Mau vẫn luôn trong tình trạng nguy hiểm.
Hiện riêng tuyến biển phía Tây của Cà Mau đang có khoảng 15 điểm trong tình trạng tương tự. Trước đó, nhiều giải pháp như dùng rào tre, dùng rọ sắt cho đá vào bên trong để cản sóng đập thẳng vào bờ và rừng phòng hộ cũng đã được sử dụng nhưng đều thất bại và bị sóng biển đánh bay.
Ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau cho biết, trải qua nhiều thất bại, cuối cùng những người tâm huyết với công cuộc bảo vệ rừng phòng hộ của tỉnh cũng đã nghĩ ra giải pháp công nghệ kè bê tông ly tâm ở giữa đổ đá hộc để phá sóng đánh thẳng vào bờ, lại bẫy được phù sa để khôi phục đất cho rừng phòng hộ. Tuy nhiên, 1km kè chi phí cũng đến 35 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Long Hoai - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau nói: "Lúc đầu nhiều người không ủng hộ nhưng tỉnh vẫn quyết định cho làm thí điểm".
Với hàng trăm km rừng phòng hộ bị mất, cần một công nghệ thật rẻ để cứu ngay rừng. Chủ tịch UNBD tỉnh Cà Mau cho biết, ông đã phải tìm đến các nhà khoa học của Viện Thủy Công để phối hợp tìm ra công nghệ mới với giá thành rẻ.
Cho đến thời điểm này, tại huyện U Minh, nhiều ha rừng phòng hộ đã được phục hồi. Ít ai biết được để chiến thắng trong "cuộc chiến" giữ rừng phòng hộ, Cà Mau đã phải ưu tiên hơn 600 tỷ đồng, điều này có nghĩa nhiều cơ hội phát triển kinh tế địa phương cũng đã phải tạm gác lại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!