Tin liên quan
Cơn bão số 2 (có tên quốc tế là Rammasun) được nhận định là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, các tỉnh và thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trước diễn biến này, các địa phương nói trên đã và đang triển khai các phương án tối ưu để phòng chống bão.
Tại Quảng Ninh: Đến nay, lực lượng chức năng đã liên lạc được với 222 trên tổng số 229 tàu đánh cá xa bờ để thông tin về tình hình của bão và các tàu này đã về nơi neo đậu. Gần 8.500 phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ đang hoạt động gần bờ cũng đã được thông tin về nơi trú bão. Từ chiều nay, tỉnh Quảng Ninh đã có lệnh cấm biển, dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan.
Tại thành phố Hạ Long, 324 hộ dân các làng chài đã chuyển lên bờ sinh sống ổn định tại phường Hà Tu. Các địa phương đã lên phương án di dời và bảo vệ các đầm nuôi thủy sản khi bão đến. Đặc biệt, bão số 2 dự báo sẽ có mưa lớn, chính quyền tỉnh và các đơn vị thuộc ngành than cũng đã dự phòng các phương án chống sạt lở, nhất là các bãi thải của ngành than khu vực Cẩm Phả, đảm bảo an toàn cho các hầm lò.
Tại Hải Phòng: Trước diễn biến của bão, ngay từ chiều hôm qua, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đã họp phiên khẩn cấp với các ngành, địa phương, đơn vị để triển khai ngay các biện pháp phòng chống. Toàn thành phố đã thông báo cho 3.023 phương tiện với 8.350 lao động, gần 500 lồng bè với gần 1.000 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến biết thông tin bão để chủ động phòng tránh. Thành phố huy động hơn 39.000 người tham gia lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức hướng dẫn các cơ quan và nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện... chủ động thực hiện phương án phòng chống bão tại các địa phương theo phương châm "4 tại chỗ".
Tại Nam Định: Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến chiều nay 100% số tàu đã được thông báo, trong đó 1.550 tàu đã vào nơi neo đậu an toàn. Hiện còn 24 phương tiện với 241 ngư dân đánh bắt hải sản đang trên đường về Nam Định. Đến nay, tổng số 732 lều canh nuôi trồng thủy hải sản tại các cửa sông, bãi ven biển với 881 người ngoài bãi đã được thông báo sơ tán tránh bão. Cũng trong khoảng thời gian này, các công ty thủy nông đã tập trung tiêu rút nước đệm, củng cố vùng bờ bao, kiểm tra máy móc, thiết bị, hệ thống lưới điện của các trạm bơm để chủ động phòng chống ngập úng khi mưa lớn.
Ngoài ra, các ngành chức năng và các địa phương của Nam Định cũng đang tập trung khắc phục những điểm đê, kè xung yếu trên tuyến đê biển và đê sông.
Tại Thái Bình: Trọng tâm của công việc phòng chống bão số 2 được lãnh đạo tỉnh Thái Bình xác định là di dân khỏi nơi xung yếu, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn và phải hoàn thành trước chiều nay. Cụ thể, hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu vào trong đê; tổ chức di dời số hộ dân sống ở ngoài đê vào trong đê chính.
Sáng nay, 257 phương tiện với 906 lao động đang hoạt động trên biển đã được lực lượng chức năng thông tin đầy đủ phương án tránh trú bão. Các huyện kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, chủ động di chuyển dân đến nơi kiên cố, an toàn.